Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường”

Mộc Miên
31/07/2023 - 17:54
Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường”

Tàu thuyền neo đậu tại cửa biển La Gi, Bình Thuận

Mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường” do Hội LHPN phường Phước Lộc (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) thành lập đã góp phần giải quyết “điểm nóng” về môi trường tại địa phương; đồng thời góp phần tuyên tuyền, vận động người dân tăng cường ý thức về bảo vệ nước sạch, vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Là địa phương ở vùng biển, trước đây, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân trên địa bàn phường Phước Lộc (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) chưa cao. Thực tế cho thấy có một số chủ tàu thuyền thường xuyên xả rác thải sinh hoạt như chai nhựa, túi ni-lon… xuống biển.

Một số người dân có thói quen đem rác vứt tại bãi bồi, ngoài kè biển. Bên cạnh đó, một vài hộ thường xuyên phơi cá khô gây hôi thối trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù, các cấp các ngành và các đoàn thể đã thường xuyên nhắc nhở, thậm chí xử lý nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra. Khu vực trước cổng cảng cá La Gi luôn là "điểm nóng" về vệ sinh môi trường, làm mất mỹ quan đô thị.

Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường”  - Ảnh 1.

Mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường” ứng phó với biến đổi khí hậu phát huy được hiệu quả sau khi thành lập

Trước thực trạng trên, Hội LHPN phường Phước Lộc đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, đặc biệt là gia đình có chồng, con là ngư dân thay đổi nhận thức trong việc sử dụng các sản phẩm phục vụ khi đánh bắt hải sản. Vào năm 2018, Hội đã thành lập mô hình "Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường" tại Chi hội phụ nữ khu phố 2. Từ 6 thành viên ban đầu, đến nay mô hình phát triển được 14 thành viên.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Lộc (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), cho biết, khi mô hình được thành lập đã tiến hành rà soát, lập danh sách hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, đất ở ổn định. Từ đó, đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm cho các hộ gia đình vay vốn công trình nước sạch vệ sinh môi trường để xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động chủ tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ tham gia giữ gìn môi trường biển; vận động các hộ phơi cá có biện pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư.

Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường”  - Ảnh 2.

Hội LHPN phường Phước Lộc triển khai hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa

Đồng thời, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và những hộ chế biến hải sản thực hiện tốt vệ sinh môi trường trong cộng đồng khu dân cư, bỏ rác thải đúng nơi quy định và có hệ thống hầm rút hợp vệ sinh; vận động các hộ dân tại khu vực cảng cá gắn camera theo dõi để xử lý các trường hợp để rác không đúng quy định.

Kết quả, đến nay chị em phụ nữ trong khu phố không còn xả rác, nước thải sinh hoạt ra ngoài đường, thực hiện tốt việc đóng phí môi sinh và để rác thải đúng nơi quy định. Đặc biệt, trước cổng cảng cá La Gi không còn là "điểm nóng" tập trung rác thải, tình hình vệ sinh môi trường đi vào nề nếp, ổn định hơn trước.

Bình Thuận: Hiệu quả từ mô hình “Chi hội phụ nữ bảo vệ môi trường”  - Ảnh 3.

Hoạt động của các ngành, đoàn thể góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Phước Lộc, đến nay, mô hình đã hoạt động tốt và phát huy hiệu quả, lan tỏa được hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao; mỹ quan đường phố xanh - sạch - đẹp hơn.

Bên cạnh đó, các thành viên mô hình còn tích cực công tác tuyên truyền chương trình "Phòng chống rác thải nhựa trên biển". Sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, các chủ tàu thuyền đã thu gom hơn hàng trăm kg rác thải như lon bia, vật dụng bằng đồ nhựa tặng lại cho các thành viên trong mô hình để gây quỹ hỗ trợ cho 20 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố với tổng số tiền 4 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Hội LHPN phường Phước Lộc cho hay sẽ đi cơ sở thường xuyên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ. Báo cáo và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó tạo niềm tin của tổ chức Hội đối với cấp ủy, chính quyền và là chỗ dựa vững chắc cho hội viên phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm