Cách phát hiện phản ứng sốc phản vệ sau tiêm vaccine ngừa Covid-19

Linh Trần
04/12/2021 - 21:55
Cách phát hiện phản ứng sốc phản vệ sau tiêm vaccine ngừa Covid-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Ai cũng có thể bị sốc phản vệ, tuy nhiên nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí đúng thì hầu như không thể tử vong.

Hiện nay, Việt Nam đang tiêm đại trà vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có đối tượng là trẻ từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, những ngày gần đây, dư luận lo lắng khi có nhiều trẻ bị sốc phản vệ, thậm chí một số trường hợp đã tử vong. Một số gia đình cho biết, không cho con tiêm vaccine Covid-19 vì sợ bị sốc phản vệ, ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Theo các chuyên gia, khi đưa bất cứ một chất lạ nào vào cơ thể đều có khả năng bị sốc phản vệ, kể cả truyền nước cất. Tuy nhiên, nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí đúng thì phản vệ hầu như không thể tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sốc phản vệ chia thành 4 độ, với những biểu hiện khác nhau. Cụ thể, độ I: Nổi ban đỏ từng điểm, từng đám, rồi lan rộng, phù mí mắt, phù mặt; Độ II sẽ xuất hiện thêm khó thở, thở rít, hoặc đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần; Độ III, tiếp tục xuất hiện tình trạng huyết áp tăng (> 140/90mmHg) hoặc tụt (<90/60 mmHg), hoặc rối loạn ý thức (lơ mơ, nói sảng, vật vã...); Độ IV: Mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.

"Sốc phản vệ xuất hiện và diễn biến rất nhanh. Nếu không phát hiện xử trí kịp thời, trong thời gian ngắn có thể chuyển từ độ I sang độ II, từ độ II sang độ III và tự độ III sang độ IV", bác sĩ Dũng nói.

Để phát hiện sớm, xử trí đúng phản vệ sau tiêm ngừa, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng, trẻ em, người có bệnh nền, già yếu... sau khi tiêm người dân cần ở lại điểm tiêm chủng đến mức lâu nhất có thể (tối thiểu là 30 phút). Trong 72 giờ sau tiêm, lúc nào cũng phải có ít nhất một người thân ở bên cạnh để theo dõi giám sát. Chỉ cần phát hiện dấu hiệu phản vệ, phải ngay lập tức dùng thuốc theo hướng dẫn sẵn có, và đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất trong tối đa 10 đến 15 phút.

Các chuyên gia cho biết, mục tiêu quan trọng trong phòng bệnh là miễn dịch cộng đồng. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cần phủ vaccine được khoảng 70% đến 80%, tùy vào mỗi bệnh. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể tiêm vaccine, như người bị dị ứng nặng, người đang mắc bệnh nằm liệt giường, những người quá già yếu, ung thư giai đoạn cuối, suy giảm miễn dịch. Những người này sẽ không được bảo vệ bởi vaccine, nhưng họ sẽ được bảo vệ một cách gián tiếp khi cộng đồng xung quanh họ tiêm ngừa đầy đủ.

Do đó, đối với trẻ em đến trường cũng cần đảm bảo phải có đa số học sinh, thầy cô giáo và người thân cũng như hàng xóm đã được tiêm chủng, thì những học sinh, vì lý do nào đó không thể  tiêm chủng, mới có thể được bảo vệ và được đến trường như những ngày bình thường không có dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm