Cần tăng cường cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý cho học sinh

Lan Hương
13/09/2022 - 19:04
Cần tăng cường cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý cho học sinh

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Năm 2011, tham gia dự án của tổ chức phi chính phủ, Trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai (xã Tân Hoà, Huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã xây dựng Phòng tham vấn tâm lý cho học sinh. Tổ phụ trách gồm 4 giáo viên tham gia, có chứng chỉ chuyên môn và hoạt động hiệu quả đến thời điểm hiện tại.

Nhà trường tư vấn cho các em học sinh ở nhiều lĩnh vực như hỗ trợ học tập; định hướng nghề nghiệp; sức khỏe sinh sản; mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè, gia đình. Những vấn đề khó giải quyết, các bạn có thể nhờ đến thầy cô tham vấn.

Qua thực tế nhiều năm làm công tác tư vấn cho học sinh, cô Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai, nhận thấy học sinh gặp nhiều vấn đề liên quan đến các mối quan hệ với gia đình, có những mâu thuẫn với bạn bè. Những mâu thuẫn được hỗ trợ kịp thời sẽ giảm bớt được những bạo lực học đường. Việc tư vấn của thầy cô trong Tổ đã mang lại hiệu quả tích cực đến nhiều em học sinh.

Cô Huệ chia sẻ từng có trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi, tham gia hoạt động với những thành phần xã hội đen để có tiền trả nợ. Các cô trong Tổ tư vấn đã phát hiện và thuyết phục em đó không đi vào con đường lầm lỡ. Trong khoảng thời gian được các cô định hướng, học sinh này đã tìm việc làm thêm hè, trả được khoản nợ và trở lại thành một học sinh ngoan, biết quan tâm, chia sẻ.

Cần tăng cường cán bộ chuyên trách về tư vấn tâm lý cho học sinh - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Huệ - Phó hiệu trưởng THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai

Cô Huệ tâm sự: "Tuổi mới lớn với những suy nghĩ, cảm xúc có phần ngang ngược, khó hiểu của các em học sinh rất khó để thầy cô có thể nắm bắt và điều hướng được. Đó cũng là một trong những khó khăn của thầy cô trong việc tiếp cận các em, tuy nhiên chúng tôi luôn cố gắng trò chuyện gần gũi với các con, từ đó các con có thể mạnh dạn chia sẻ vấn đề của mình và được thầy cô hỗ trợ" .

Bên cạnh đó, khó khăn của các thầy cô trong việc tiếp cận học sinh là nhiều học sinh ngại vào Phòng tham vấn tâm lý của nhà trường. Từ những khó khăn đó, thầy cô trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai đã xây dựng nhiều cách thức khác nhau để đến gần hơn với các em.

Nhà trường trang bị nhiều đầu sách về kỹ năng sống để thu hút học sinh. Qua thông tin từ giáo viên chủ nhiệm cung cấp danh sách những học sinh cá biệt, đó thường là những em có những vấn đề tâm lý nhất, có những khúc mắc hay tiêu cực. Thầy cô phát phiếu khảo sát để sàng lọc những đối tượng cần sự hỗ trợ. Thường xuyên trò chuyện với học sinh để tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng. Các cô lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn cho các con. Những năm qua, nhà trường đã hỗ trợ được nhiều trường hợp, giúp các em học sinh có tâm lý tốt hơn.

Ngoài trực tiếp gặp gỡ tư vấn, học sinh cũng có thể gọi điện thoại, nhắn tin tới thầy cô để được hỗ trợ. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, đây là vấn đề cần thiết ở lứa tuổi THPT khi tâm sinh lý của học sinh có nhiều thay đổi. Nếu không kịp thời trang bị thì những hậu quả có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục các con để học sinh có sự chuyển biến tốt nhất.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều học sinh đã gặp các vấn đề tâm lý, tuy nhiên công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh ở một số trường vẫn còn tồn tại hạn chế như: hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục…

Thầy Nguyễn Thành Long - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hà Nội (xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội) - chia sẻ: "Trường có bộ phận tư vấn tâm lý cho học sinh, kế hoạch tuyên truyền nếp sống đạo đức, học sinh thanh lịch văn minh. Tuy nhiên, khi hoạt động công tác này, trường cũng gặp những khó khăn như đội ngũ tư vấn tâm lý chỉ được đào tạo chứng chỉ thời gian ngắn, không có chuyên môn, chưa tư vấn sâu sát đến tâm lý của học sinh".

Trước thực trạng đó, thầy Nguyễn Thành Long  kiến nghị, đề xuất: "Các trường cần có cán bộ công tác xã hội chuyên trách về tư vấn, tham vấn tâm lý. Cần đội ngũ có chuyên môn, được đào tạo bài bản thì mới hỗ trợ, giải quyết vấn đề thực sự cho các em".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm