Cây gậy phù thủy của thần ái tình

05/10/2015 - 06:27
Đi một hành trình dài từ thời Ai Cập cổ đại đến nay, son môi ngày càng có nhiều 'uy lực' với phái đẹp.
Hành trình chinh phục
Người Ai Cập cổ đại đã dùng son môi như một biểu tượng cho tâm hồn của họ. Họ dùng khúc sậy vẽ một loại sáp sền sệt từ bột khoáng chất Cinnabarit có màu đỏ cam lên môi với niềm tin sẽ giống như thánh thần.
Theo những tài liệu ghi chép lại, khoảng năm 60 trước Công nguyên, son môi của Nữ hoàng Cleopatra được làm từ các loại côn trùng nghiền có tên là yên chi trùng để được màu son đỏ đậm. Còn ở La Mã thời xưa, chỉ các phụ nữ quyền quý mới tô môi đỏ để phân biệt với tầng lớp thấp hơn.

Diễn viên Scarlett Johansson gợi cảm trong clip quảng cáo son môi

Màu đỏ của những thỏi son đầu tiên đã mang hàm ý muốn nổi bật trong vẻ đẹp khêu gợi hay thể hiện quyền lực. Đến thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I trong thế kỷ 16, chất nhuộm màu thực vật và sáp ong là nguyên liệu chính tạo ra son môi và dần phổ biến trên toàn nước Anh. Với triều đại kéo dài 45 năm, Nữ hoàng Elizabeth I luôn có một niềm tin lớn vào son môi ở khả năng gắn kết quyền năng kỳ diệu và sức mạnh đó có thể “chữa lành” mọi vết thương. Bà đã yêu cầu được tô son môi khi từ giã cõi đời.
Điều thú vị đã xuất hiện ở triển lãm thế giới EXPO Amsterdam (Hà Lan) năm 1883, khi nữ diễn viên người Pháp Sarah Bernhardt gọi son môi là “cây gậy phù thủy của thần ái tình” và công khai tô môi trước mọi người đầy vẻ khêu gợi. Son môi nổi tiếng từ dạo ấy, trở thành biểu tượng cho sự quyến rũ.
Đầu những năm 1990, hãng mỹ phẩm Guerlain (Pháp) đưa thỏi son vào 1 ống bạc tráng men cực kỳ tiện dụng và phát minh này được coi là cú đột phá quan trọng. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, những đôi môi phụ nữ xinh đẹp được cho là kích thích tinh thần và chí khí của những người lính Anh. Màu son không đơn giản chỉ là đỏ mà còn là “Victory Red” (đỏ chiến thắng) hay “Patriot Red” (đỏ yêu nước). Do đó, năm 1939, dẫu ngành công nghiệp Anh quốc bắt buộc ngừng sản xuất mỹ phẩm để dồn sức chế tạo quân nhu, song Thủ tướng Winston Churchill vẫn cho dây chuyền làm son hoạt động bình thường.
Năm 1949, Mỹ đã phát minh ống son có thể xoay, đẩy thỏi son lên. Thế là cuộc chinh phục thế giới của nó không còn gì cản nổi - bất chấp làn sóng Hippie thập niên 1960 tôn vinh mặt mộc… Đến nay, son không còn chỉ là son, mà là sản phẩm công nghệ cao. Nó chứa polymere bảo đảm dai bền, hạt tạo hiệu ứng lấp lánh, hoặc cả những hóa chất bảo đảm cho mỗi lần mím môi lại ra một màu mới.
 Cuộc chơi tốn kém

Những thỏi son đắt nhất hành tinh

Son môi là một trong những loại mỹ phẩm bán chạy nhất trên thế giới. Trung bình trong suốt cuộc đời, mỗi phụ nữ sẽ chi khoảng 15.000 USD (hơn 315 triệu đồng) mua các sản phẩm trang điểm, trong đó son môi chiếm khoảng 1.800 USD (hơn 37 triệu đồng). Vì thế, việc sản xuất và nghiên cứu phát triển son môi các hãng mỹ phẩm đầu tư lớn về chất xám và tiền bạc. Các nhà nghiên cứu cố gắng tìm ra loại son có những tính năng ngày một đặc biệt hơn như chống nước, son chống nắng, son có độ che phủ cao, độ bám lâu dài… Cùng với đó là các nghiên cứu về màu sắc. Việc phát minh ra các loại màu son không hề đơn giản như chúng ta nghĩ: Chúng phải phù hợp với da người, kể cả những màu son cực chói nhưng yêu cầu khi sử dụng vẫn phải hài hòa cho các gương mặt. Thế nên, một số nhân vật đình đám như các ngôi sao Hollywood muốn có cho mình riêng 1 màu son rất khác biệt đòi hỏi họ phải đặt hàng riêng.

Những thỏi son đắt nhất hành tinh
Son môi kim cương H. Couture của nhà sản xuất Taysha Smith Valez. H. Couture (Mỹ) nổi tiếng thế giới với những dòng mỹ phẩm làm đẹp cao cấp. Son môi được H. Couture sản xuất đi kèm với 1 cây mascara cao cấp và được trang trí  1.200 viên kim cương hồng, nắp đậy được làm bằng 18 carat vàng, giá 14 triệu USD.
Thỏi son KissKiss Gold and Diamond dát 110g vàng 18K và nạm 199 viên kim cương của hãng Guerlain có giá 62.000 USD.

Trong nhà máy sản xuất son được chia thành nhiều khu vực, từ khu chế tạo thành phần son, khu làm mẫu mã, khu sản xuất đến khâu kiểm tra hàng. Điều thú vị ở nhà máy sản xuất son là khu kiểm tra của nhân viên sẽ luôn có gương, để họ có thể tự kiểm tra bằng cách tô son lên môi mình khi cần thiết. 

Son môi thay đổi hương vị khi hôn

Có điều đặc biệt là hầu hết các thỏi son đều có trọng lượng như nhau, khác với phấn hay những loại mỹ phẩm thường dùng. Sau mỗi lô hàng, các nhà sản xuất sẽ giữ lại cho mình 1 mẫu để tiếp tục nghiên cứu những điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm. Từ năm 1986, ngành công nghiệp mỹ phẩm của Mỹ đã thu được 720 triệu USD cho riêng việc bán son môi. Việc sản xuất và phát triển son môi vẫn là ưu tiên hàng đầu vì lợi nhuận thu về của chúng chưa bao giờ có dấu hiệu sụt giảm.
 
 
Son môi thay đổi hương vị khi hôn
Dallas Robinson và Mike Buonomo ở bang Utah (Mỹ) đã sản xuất ra loại son môi đặc biệt Kisstixx với lời tựa thú vị: Con người dành tới 20.000 phút trong suốt cuộc đời cho việc hôn. Mục tiêu của chúng tôi là khiến mỗi giây phút này đều đáng nhớ như nụ hôn đầu”. Bộ sản phẩm gồm 2 thỏi son, 1 dành cho nam, 1 dành cho nữ. Khi 2 người hôn nhau, 2 loại son này kết hợp tạo thành phản ứng hóa học làm thay đổi mùi vị mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm