pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Chạm" vào cảm xúc để giữ chân khách hàng
Chị Ngọc Anh thực hiện dịch vụ cho khách hàng
"Quay đi, quay lại, mình đã gắn bó với nghề hơn 10 năm. Giờ đây, công việc không chỉ là để kiếm tiền, mà còn là nghiệp, bởi nhờ công việc mang lại cho cuộc sống của mình rất nhiều niềm vui và những điều ý nghĩa", chị Ngọc Anh tâm sự.
Bước ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, từ bỏ công việc ổn định, bà mẹ 8x quyết định theo học nghề phun xăm thẩm mỹ, bởi công việc này có nhiều thời gian bên cạnh và chăm sóc con nhỏ.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào ngành dịch vụ làm đẹp, chị Ngọc Anh cho biết, có lẽ nghề đã chọn người. Chị học nghề nhanh, lại có nguồn khách hàng tiềm năng tại tiệm làm tóc, trang điểm của mẹ, nên có lợi thế khi tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lại đến từ chính bản thân chị, bởi vốn là người nóng tính, hay vội vàng mà chọn gắn bó với nghề thủ công làm đẹp đòi hỏi cần nhiều nhiệt huyết, nắn nót từng tí một, thì thực sự cần phải rèn luyện rất nhiều. Bên cạnh đó, phun xăm thẩm mỹ lúc ấy đang phát triển mạnh mẽ, nhiều cạnh tranh, với một người tay ngang bước vào, đó quả là một thách thức.
"Không ít lần tôi đã rơi nước mắt, định bỏ nghề vì áp lực. Không ít lần nhìn cổ tay đau đớn, sưng tấy vì cầm kim xăm nhiều, tôi đã buồn và sợ vô cùng vô cùng vì mình rất yêu nghề, không biết mình sẽ ra sao nếu không được làm nghề nữa. Cứ đi rồi sẽ đến, cứ tận tâm dồn hết tâm sức vào nghề, nghề sẽ không phụ mình", chị Ngọc Anh tâm sự.
Bí quyết để giữ chân khách hàng
Chị Ngọc Anh chia sẻ: "Ý thức được công việc của mình là làm dịch vụ, khách hàng đến với mình không chỉ để làm đẹp, mà còn là nơi để họ có thể chia sẻ, trải lòng, nên tôi luôn coi khách hàng như những người thân thiết của mình. Để giữ chân khách, trước hết, mình phải làm việc với hết tâm sức của mình. Nghề gì cũng cần cái tâm, nhưng với riêng nghề phun xăm thẩm mỹ, chúng tôi thường nói vui với nhau, phải coi khách hàng như em bé, mình làm nhẹ nhàng tử tế thì sẽ mang lại kết quả tốt, còn mình mà làm như kiểu "phi kim vào mặt khách" để lấy tiền thì dù bạn có giỏi đến đâu cũng chỉ tồn tại được một sớm một chiều, sẽ bị nghề đào thải.
Cái tâm ở đây không chỉ là cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, mà còn là sự nghiêm túc, chỉn chu trong việc lựa chọn dụng cụ, nguyên liệu an toàn, tốt cho sức khỏe. Trước khi thực hành một dịch vụ mới, một loại mực mới, tôi đều là người thử trước. Mình có ưng ý mới làm cho khách. Có người từng nói với tôi: "Làm sao khách hàng biết được mình sử dụng loại mực gì, việc gì phải đầu tư như thế", nhưng với lương tâm nghề nghiệp, tôi không cho phép mình làm gì trái với lương tâm. Có như vậy, tôi - một bà mẹ đơn thân, dù không mở cửa hàng lớn nhưng vẫn tồn tại, được khách hàng yêu quý trong chặng đường hơn thập kỷ qua.
Thứ hai, đối với những người làm nghề thủ công như tôi, tay nghề là điều vô cùng quan trọng. Tôi luôn không ngừng học tập, cập nhật những kiến thức mới, dù biết cái mới chỉ khác cái cũ một chút xíu thôi, nhưng mình vẫn phải học. Không phải đợi có tiền thì tôi mới đi học cái mới, mà học liên tục, thường xuyên.
Tôi học kiến thức và học cả cách chia sẻ những câu chuyện để có thể đến gần hơn với khách hàng, "chạm" được vào cảm xúc của khách hàng, bởi tôi hiểu, khách hàng đến, quay lại sử dụng dịch vụ của mình không hẳn vì giá cả mà còn vì cảm xúc. Trong một bình diện làm nghề, vốn quá nhiều cạnh tranh và áp lực, việc khách hàng cảm thấy thoải mái, thân thiết khi đến với mình là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm trân trọng và chăm sóc tốt cho từng khách hàng, để từ 1 người khách, mình sẽ có thêm hàng trăm khách hàng, từ 10 người khách, mình sẽ có thêm cả ngàn khách hàng. Mình cứ làm tốt đi, khách hàng sẽ chính là những người đi quảng cáo cho mình hiệu quả nhất. Những sản phẩm tâm huyết của mình sẽ là minh chứng thuyết phục nhất cho tay nghề và sự sáng tạo nghệ thuật của mình.
Còn một kinh nghiệm nhỏ tôi muốn chia sẻ thêm với các chị em khi đang bắt đầu khởi nghiệp, đó là bạn nên chọn một hướng đi cho riêng mình để tạo sự khác biệt. Như với bản thân tôi, bên cạnh các dịch vụ phun xăm thẩm mỹ theo xu hướng thị trường, tôi đã chọn đi thị trường ngách, đó là sửa lỗi. Tôi sửa những đôi mày, cặp mí, đôi môi bị các nơi khác làm hỏng. Để làm được điều này, cần phải có kinh nghiệm và tay nghề cứng và cả sự công phu khi mày mò, tìm mọi cách để thực hiện được mong muốn cho khách hàng.
Trong cuộc sống, trong công việc, có những lúc mỗi chúng ta đều phải đối diện với những áp lực, muốn thay đổi, làm cái gì khác đi, nhưng mỗi lần nản, tôi luôn tâm niệm câu nói luôn theo mình từ những năm tháng học nghề, đó là: Khi bạn muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lý do bắt đầu. Đó là động lực để tôi gắn bó với nghề, với nghiệp của mình và tiếp tục thực hiện ước mơ cầm cốp xăm đi khắp nơi để làm đẹp cho người".
Thông tin liên hệ: Chị Vũ Nguyễn Ngọc Anh, sáng lập và điều hành Kiubrows Studio.
Địa chỉ: Số 2B Nguyễn Khắc Cần, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
ĐT: 0946798811