Chị em Chơro góp phần bảo tồn Lễ hội Sayangva của dân tộc

Phạm Thương
20/04/2024 - 09:26
Chị em Chơro góp phần bảo tồn Lễ hội Sayangva của dân tộc

Nghi thức cúng rước thần lúa từ rẫy về nhà dài đến kho lúa.

Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Chơro ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Ở đó, phụ nữ Chơro đóng góp vai trò quan trọng. Bởi, họ là người trực tiếp tham gia, gìn giữ và trao truyền.

Chúng tôi về ấp Lý Lịch 1 (Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nhân lễ hội Sayangva. Từ sáng sớm, bà con dân làng người Chơro đã tề tựu cùng nhau đi lên rẫy cúng rước thần lúa từ rẫy về nhà dài đến kho lúa, chuẩn bị những mâm cỗ đầy đặn mang đặc trưng của dân tộc, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ trước khi vào phần hội… Trong từng khâu tổ chức, ở đâu cũng có bàn tay khéo léo của chị em Chơ ro cùng tham gia.

Theo phong tục truyền thống, trong phần lễ, đồng bào Chơro đã thực hiện lễ cúng truyền thống như: Cúng rước thần lúa từ rẫy về nhà dài đến kho lúa; lễ cúng Yang nhà, Yang lúa, Yang rừng để cầu xin mùa màng bội thu, cuộc sống người dân được an lành và nghi thức diễn tấu cồng chiêng. Trong phần hội, đồng bào Chơro cùng nhau biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể dục thể thao, như: Đẩy gậy, bắn nỏ, bịt mắt đập niêu…

Chị em Chơro góp phần bảo tồn Lễ hội Sayangva của dân tộc- Ảnh 1.

Theo bà con nơi đây, từ tháng 2-3 âm lịch hằng năm, người đồng bào Chơro lựa ngày đẹp, có đêm trăng sáng để tổ chức lễ hội Sayangva, để cầu khấn thần linh, tổ tiên về một năm mới với những vụ mùa tốt đẹp, cuộc sống an lành thể hiện sự khát vọng tốt đẹp cho cộng đồng.

Tín ngưởng nguyên thủy của đồng bào dân tộc Chơro là thờ đa thần, gọi thần linh là Yang (Giàng). Hệ thống thần linh người Chơro thờ rất phong phú: Yang Nhà, Yang Rừng, Yang Lúa … xem việc cúng các thần linh là cách ứng xử phải lẽ đối với thế giới vô hình.

Ở đó, phụ nữ Chơro nổi bật trong trang phục truyền thống là những chiếc váy có hoa văn dọc ngang kiểu carô, đeo gùi lúa sau lưng cùng những nụ cười tươi tắn. Người phụ nữ lớn tuổi của làng được đại diện đi cúng rước thần lúa từ rẫy về nhà dài đến kho lúa hoặc đánh cồng chiêng trong lúc trưởng làng cúng. Còn chị em trẻ tuổi tham gia đội múa cồng chiêng, tổ chức các gian hàng, nướng gà nấu cơm lam… Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã trực tiếp tham gia, cùng góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chị em Chơro góp phần bảo tồn Lễ hội Sayangva của dân tộc- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Làng, dân tộc Chơro, (ấp Lý Lịch 1, Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phấn khởi chia sẻ: "Từ khi mình lớn lên đã biết về lễ hội Sayangva - mừng lúa mới - của dân tộc mình. Mình thích nhất là cùng dân làng đi rước thần lúa về. Nhờ có dịp này, bà con được tụ họp, cùng cầu mong một năm tốt đẹp, cùng hát múa bên ánh lửa trại".

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Ngân (ấp Lý Lịch 1, Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cũng ẵm con nhỏ đến tham dự. Chị Ngân chia sẻ: "Mùa này là mùa khô nên con suối ở làng cũng cạn khô, thời tiết năm nay nắng gắt, vậy nên, việc cúng thần lúa càng thêm ý nghĩa để cầu mong mưa thuận gió hòa, một năm mới tốt đẹp đến với mọi người".

Chị em Chơro góp phần bảo tồn Lễ hội Sayangva của dân tộc- Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết: "Không riêng gì chị em Chơro, chị em phụ nữ trên địa bàn xã cùng góp phần rất nhiều trong công tác tổ chức lễ hội như: Các chị trong CLB dân vũ của phụ nữ xã tham gia tiết mục văn nghệ, chị em Chơ ro trình diễn múa cồng chiêng, nấu các món ăn truyền thống, Hội tổ chức gian hàng áo dài 0 đồng (do Hội LHPN huyện gửi tặng 100 bộ áo dài) để trao đến bà con trong dịp này".

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), cho biết: "Phú Lý là xã vùng xa của huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn hiện có hơn 3000 hộ dân, với hơn 11.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Chơro khoảng 250 hộ với khoảng 900 nhân khẩu. Hằng năm, đối với đồng bào dân tộc Chơ ro cũng như các đồng bào dân tộc khác trên địa bàn, các cấp ủy Đảng và chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thời gian qua, đời sống đồng bào các dân tộc Chơro xã Phú Lý có bước phát triển nhanh và khá vững chắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển tích cực".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm