pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chi phí đổi mới chương trình phổ thông: Bộ GD&ĐT trả lại Chính phủ 29,7 triệu USD
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD&ĐT về nguồn ngân sách Nhà nước và tiền vay từ Ngân hàng Thế giới để thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu, sách tập huấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin ngắn gọn, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình SGK tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vay ODA, còn 3 triệu USD vốn đối ứng.
Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ SGK như thiết kế ban đầu, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa.
Do vậy, Bộ GD&ĐT trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ SGK, để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới. Bộ GD&ĐT chưa sử dụng khoản tiền này. Số tiền còn lại xây dựng chương trình thì Bộ đã triển khai xây dựng, các hoạt động phát triển chương trình tổng thể, đến tháng 12/2020 cố gắng phấn đấu tiêu 12 triệu USD.
Còn lại số tiền sau khi rà soát những chi phí không thiết thực, Bộ GD&ĐT trả lại Chính phủ. Tổng số tiền Bộ trả lại là 29,7 triệu USD.
"Tiền tiết kiệm sẽ trả lại, chúng tôi chỉ chi cho những khoản thực chi. Tới đây, tiếp tục chủ trương xã hội hóa SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, tiết kiệm khoản chi từ ngân sách cho bộ SGK"- ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Cũng liên quan đến chương trình mới, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi, chương trình mới đã tính đến việc giảm tải cho người học, nhưng với người dạy, Bộ GD&ĐT có những giải pháp cụ thể nào để giảm tải cho thầy cô.
Trả lời câu hỏi, tư lệnh ngành giáo dục gửi lời cảm ơn nữ đại biểu vì đã đặt câu hỏi phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của hàng triệu giáo viên cả nước. "Chúng tôi rất ý thức vấn đề này để quan tâm giảm tải cho giáo viên với nhiều chỉ đạo tích cực" - ông Nhạ khẳng định.
Theo ông, trước hết Bộ GD&ĐT đã giảm tải khâu sổ sách, cùng với đó là đổi mới phương thức thi giáo viên giỏi theo hướng thiết thực đơn giản hơn, cùng với đó là rà soát để tinh giản chương trình hiện hành. "Năm ngoái chúng tôi giảm 3 - 4 tuần giảng dạy cho giáo viên, năm nay sẽ tiếp tục giảm tiếp theo hướng gọn nhẹ" - ông Nhạ cho hay.
Một giải pháp nữa được ông Nhạ đưa ra là tăng cường hướng dẫn công nghệ thông tin trong hồ sơ sổ sách, xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn trực tuyến để giảm thời gian cho các thầy cô.
"Cũng tới đây, chúng tôi sẽ rà soát để tính toán định mức lao động của thầy cô cho phù hợp" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.