Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

HKD
10/05/2024 - 21:50
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Chất lượng cuộc sống người cao tuổi Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng và đặc biệt là người cao tuổi ở nhóm yếu thế.

Chiều ngày 10/5/2024 tại Hà Nội, tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HAI) đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN). Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ của người cao tuổi Việt Nam" được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản, thực hiện tại 6 tỉnh/thành phố: Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Ninh Thuận. 

Đại diện Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; đại diện Hội Người cao tuổi một số tỉnh thành trên cả nước; đại diện các ban ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan cùng một số thành viên (CLBLTHTGN) đã tham dự Hội thảo.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 12/2023, cả nước có khoảng 6.521 CLBLTHTGN với khoảng 456.470 thành viên. CLBLTHTGN là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng (cấp thôn/bản/ấp/tổ dân phố), hoạt động dưới sự quản lý của Hội Người cao tuổi các cấp. CLB hoạt động với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong nâng cao thu nhập, sức khỏe, tham gia xã hội/hỗ trợ cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau- Ảnh 1.

Hội thảo Chia sẻ mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Số liệu tổng hợp của tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam cho thấy: 24% người cao tuổi thu nhập của họ chưa đủ cho chi tiêu hàng ngày; 15% người cao tuổi có tiền tiết kiệm; hơn 15% người cao tuổi sống trong hộ nghèo, cận nghèo (2021); 57% người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội (2020); mức trợ cấp đã được điều chỉnh tăng từ tháng 7/2021 nhưng vẫn còn thấp (chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn và 18% chuẩn nghèo thành thị, 2021)... Những số liệu này cho thấy, đời sống của người cao tuổi Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập thấp, không ổn định.

Chia sẻ từ thực tế, các đại biểu nhận định: CLBLTHTGN là mô hình nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng và đặc biệt là người cao tuổi ở nhóm yếu thế (nghèo, cận nghèo, ốm đau, khuyết tật, cô đơn, hoàn cảnh khó khăn). Thông qua CLB, vai trò của người cao tuổi, đặc biệt trong việc phát triển mô hình làm kinh tế tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống được khẳng định và nâng lên rõ rệt.

Sau khi nghe phần trình bày "Giới thiệu mô hình CLBLTHTGN và tác động của mô hình" từ đại diện tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ, nêu nhiều kiến nghị, đề xuất xung quanh 3 chủ đề: Kinh nghiệm thành lập và phát triển CLB; tăng cường hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đảm bảo tính bền vững; nhân rộng CLBLTHTGN trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau- Ảnh 2.

Các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Các đại biểu cho rằng, mô hình CLBLTHTGN cần tiếp tục được nhân rộng nhằm tạo niềm vui trong cuộc sống cho người cao tuổi. Để CLBLTHTGN hoạt động bền vững, hiệu quả, rất cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn vốn viện trợ để nhân rộng mô hình, đặc biệt ở những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Bích Thủy - Giám đốc quốc gia tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam - nhấn mạnh, CLBLTHTGN là một mô hình hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Việt Nam, góp phần tích cực vào thực hiện an sinh xã hội tại cộng đồng, vừa bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Trong bối cảnh Việt Nam già trước khi giàu, các mô hình dựa vào cộng đồng như CLBLTHTGN là lựa chọn sáng suốt nhằm có thêm nguồn lực từ cộng đồng. Trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư phù hợp vào Quỹ tăng thu nhập và tập huấn cho các CLB; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đảm bảo chất lượng CLB trong quá trình nhân rộng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm