pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chia sẻ việc thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết ở phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án 8 Trung ương - phát biểu khai mạc hội thảo
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án 8 Trung ương - cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch định hướng nhiệm vụ giai đoạn, hàng năm; hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện Dự án. Đặc biệt, Trung ương Hội đã ban hành Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.
Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức ở đồng bào dân tộc thiểu số là việc vô cùng khó khăn, cần sự kiên trì bền bỉ, luôn sáng tạo trong công tác truyền thông, chứ không phải tức thì là có sự thay đổi ngay.
Đánh giá về việc triển khai Dự án 8, bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Dự án đã được triển khai một cách tích cực, chủ động. Nhiều mô hình cốt lõi của Dự án như Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"… có kết quả triển khai gần đạt/hoặc vượt chỉ tiêu. Các mô hình được người dân ủng hộ và các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Tiêu biểu, có 2 tỉnh đã thực hiện đạt cơ bản các chỉ tiêu giai đoạn 1 là Hà Giang và Lào Cai.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai, vẫn gặp những khó khăn/vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp khắc phục, thúc đẩy trong thời gian tới như thiếu cơ chế phối hợp thực hiện bình đẳng giới và giám sát, đánh giá bình đẳng giới trong Chương trình tại các cấp… Đặc biệt, thực tế vẫn còn nhiều các vấn đề xã hội cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như vẫn tình trạng tảo hôn, kéo vợ, bắt vợ, bạo lực giới…
Vì vậy, bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: "Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá, nhận định về kết quả 3 năm thực hiện Dự án 8 và tình hình thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình, rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế và phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo".
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về tình hình thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua việc thực hiện các Dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Dân tộc thiểu số và miền núi như: việc thực hiện lồng ghép giới trong Tiểu Dự án 1 - Dự án 5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện; Tình hình thực hiện lồng ghép giới trong Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng suy dinh dưỡng trẻ em; Việc thực hiện lồng ghép giới và thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai…; Đồng thời chia sẻ, thảo luận giải pháp lồng ghép giới hiệu quả trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi.