Chờ bồi thường hỏa hoạn 2 năm chưa được, khiếu nại ở đâu?

19/10/2016 - 07:00
Sau khi hỏa hoạn xảy ra, cơ quan chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trường phuc vụ điều tra. 2 năm trôi qua chưa có kết luận khiến nạn nhân không được bồi thường cũng như không thể làm lại nhà để có chỗ ở.

Hỏi: Năm 2014 khu nhà tôi ở bị hỏa hoạn toàn bộ 4 căn nhà trong khu bị cháy toàn bộ thiệt hại nặng nề đối với gia đình tôi và hàng xóm. Do không có nơi ở nên gia đình tôi phải đi thuê nhà ở, giữ nguyên hiện trường, chờ cơ quan chức năng giám định, xác định nguyên nhân cháy và giải quyết xác định người bồi thường thiệt hại cho 4 gia đình. Cho đến nay hơn 2 năm vẫn chưa được giải quyết, cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Xin Báo PNVN cho biết pháp luật qui định như thế nào về trường hợp của chúng tôi, chúng tôi phải gửi đơn đến cơ quan nào để được giải quyết?

chay-nha.jpg
 Ảnh minh họa

Trả lời:

Bà cần phải đến cơ quan điều tra gặp người có thẩm quyền để hỏi về vụ việc của gia đình bà. Điều 7 Luật tiếp công dân năm 2013 quy định:

“Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây:
a) Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;
c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
d) Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.”

Quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra trong trường hợp này là rất quan trọng vì quyết định sẽ chỉ rõ có hay không có yếu tố hình sự trong vụ việc này, tổ chức, cá nhân nào có lỗi, gây thiệt hại trong vụ cháy hay là do bất khả kháng. Nếu có yếu tố hình sự, vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự của vụ án hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án. Còn nếu không có dấu hiệu hình sự, thì vụ việc đó chỉ là dân sự. Nếu tìm ra tổ chức, cá nhân nào có lỗi, gây thiệt hại trong vụ cháy thì bà có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đó phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy

Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy –Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

lo-go-cty-ha-huy.jpg
 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm