Chung tay hành động để cộng đồng người chuyển giới không bị “bỏ lại phía sau”

B.N - Ảnh: BTC
27/08/2022 - 08:05
Chung tay hành động để cộng đồng người chuyển giới không bị “bỏ lại phía sau”

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Điều này được nhiều đại biểu nhắc đi nhắc lại trong Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính” diễn ra sáng 26/8 tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, có tới gần nửa triệu người chưa được đảm bảo những quyền lợi cơ bản của mình, không thể tiếp cận các dịch vụ xã hội vì bản dạng giới tự nhiên. Thúc đẩy tiến trình đáp ứng những nhu cầu hợp pháp của người chuyển giới một cách toàn diện để hướng tới một xã hội bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Toạ đàm do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp tổ chức với sự có mặt của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội, đại diện cộng đồng người chuyển giới…

Bước tiến của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới

Tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã nêu bật một số bước tiến của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới. Cụ thể là, hiến pháp quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26); Năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Chung tay hành động để cộng đồng người chuyển giới không bị “bỏ lại phía sau” - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - phát biểu tại tọa đàm.

Năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, đồng thời hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Điều 37: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan. 

Như vậy, từ 01/01/2017, Việt Nam cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch… thì chưa được quy định cụ thể. Do vậy, việc công nhận đối với người chuyển đổi giới tính hiện nay chưa được triển khai trong thực tiễn. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Bộ luật dân sự năm 2015, Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Năm 2019, dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong lĩnh vực hình sự, trước đây, các loại tội phạm tình dục của người đồng tính chưa được điều chỉnh một cách cụ thể trong các quy định của pháp luật, quan niệm về hành vi giao cấu chưa được đề cập một cách đầy đủ đối với các hành vi tình dục trái phép giữa những người cùng giới tính. Bộ Luật hình sự năm 2015 đã có những thay đổi nhất định đối với các quy định về tội phạm tình dục khi đề cập đến "các hành vi tình dục khác". Quy định này có tính mở, đảm bảo cho người đồng tính cũng như các công tác xét xử đối với các tội phạm tình dục hiện nay. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định người bị tạm giữ, tạm giam là người đồng tính, chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Ở lĩnh vực lao động, năm 2019, Bộ luật Lao động được sửa đổi, trong đó thừa nhận quyền tự do lựa chọn việc làm, thiết lập quy định về bảo đảm điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và cấm sự phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 lần đầu tiên đưa vào mục tiêu tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính, chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

"Ngoài ra, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) cũng có thể coi là một trong các công cụ pháp lý để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới khi quy định hành vi "kỳ thị, phân biệt đối xử về giới tính" là hành vi bạo lực gia đình và quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng được áp dụng với "người chung sống với nhau như vợ, chồng" (bao gồm cả cộng đồng LGBTQ+)"- bà Kim Thúy chia sẻ.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính. Điều này thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo nguyên tắc "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu phát triển bền vững.

Argentina: Quốc gia có bộ luật tiến bộ nhất thế giới về quyền của người chuyển giới

Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng và thi hành Luật Bản dạng giới 2012 tại Argentina - một trong những bộ luật tiến bộ nhất thế giới về quyền của người chuyển giới, bà Alba Rueda, Đại diện đặc biệt về Bản dạng giới của Bộ Ngoại giao Argentina chia sẻ: "Luật Bản dạng giới là luật đầu tiên trên thế giới loại bỏ quy định về chẩn đoán y tế (tiền đề để đưa ra khỏi danh sách bệnh lý) và đối xử tử tế. Đối xử tử tế: nghĩa vụ pháp lý về đối xử và xướng danh theo đúng tên và giới tính tự giới thiệu, sau khi đã bày tỏ, và không phụ thuộc vào việc đã thay đổi thông tin đăng kí trên giấy tờ hay chưa. Phá vỡ mô hình cisheterobiologicista (hợp giới dị tính sinh học) vốn gắn với các thực trạng y tế và pháp lý. Không yêu cầu chẩn đoán bệnh và/hoặc ý kiến chuyên gia y tế, tâm lý và/hoặc tâm thần; kể cả trong việc tiếp cận các cuộc phẫu thuật chỉnh sửa cơ thể".

Bản dạng giới là cảm nhận cá nhân bên trong và là quyền con người. Sự đối xử tử tế là điều cốt lõi của Luật bản dạng giới. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người được quyền phát triển cuộc sống theo bản dạng giới của mỗi người và có quyền được đối xử theo bản dạng giới đó. Điều này rất quan trọng bởi như vậy có nghĩa là không cần sự cho phép về mặt pháp lý hay y tế để được phát triển cuộc sống như bản dạng giới thật, từ đó góp phần vào việc không coi đây là bệnh và không do luật pháp quy định.

Bà Alba Rueda, Đại diện đặc biệt về Bản dạng giới của Bộ Ngoại giao Argentina

"Ở Argentina, tất cả mọi người đều có quyền được đối xử theo đúng bản dạng giới của mình. Đặc biệt, được định danh theo đúng bản dạng giới đó trong các giấy tờ định danh cá nhân, ở các trường thông tin về tên, ảnh chân dung, và giới tính"- bà Alba chia sẻ- "Tính đến tháng 3/2022, ở đất nước tôi đã có 12.320 người thay đổi thông tin trong chứng minh thư theo Luật Bản dạng giới. Đặc biệt, Argentina cũng đã thông qua Luật hạn ngạch lao động đối với người chuyển giới. Điều này thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc tạo ra sự bình đẳng, thúc đẩy việc tiếp cận công việc chính đáng dành cho cộng đồng người chuyển giới. Sáng kiến này đã góp phần thúc đẩy việc có ít nhất 1% các chức vụ và hợp đồng của Chính phủ được dành cho người chuyển giới".

Bà Ahbina Aher (nhà hoạt động chuyển giới tại Ấn Độ) chia sẻ, năm 2014 lần đầu tiên giới tính thứ ba được công nhận về mặt pháp lý ở Ấn Độ. 5 năm sau (năm 2019) thì có điều luật bảo vệ cho người chuyển giới, với luật này những người kỳ thị người chuyển giới có nguy cơ bị tù trong 2 năm.

"Ở Ấn Độ, không cần phải điều trị hormone hay can thiệp y tế để được chứng nhận đúng bản dạng giới. Đặc biệt, ở Kochi, người chuyển giới đã bắt đầu được tuyển vào làm trong các cơ quan nhà nước. Chúng tôi vẫn còn một con đường dài phải đi vì hiện luật chưa cho phép người chuyển giới kết hôn, có con và được bảo vệ một cách toàn diện. Tuy nhiên, người chuyển giới đã tự tin xuất hiện nhiều hơn. Nhiều người chuyển giới là bác sĩ, kỹ sư phần mềm… và nhận được nhiều giải thưởng ở cấp quốc gia. Tôi hy vọng những đóng góp của họ tác động đến xã hội nhiều hơn, sẽ có thêm nhiều người ủng hộ quyền của người chuyển giới"- bà Ahbina Aher bày tỏ.

Kế hoạch xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam (năm 2022)

- Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến:

+ Xây dựng các Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của Chính phủ.

+ Chỉnh lý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật: Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động, báo cáo thực trạng, báo cáo rà soát hệ thống pháp luật.

- Tiếp tục chỉnh lý Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và xây dựng các tài liệu kèm theo Dự thảo Luật theo quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm