Đã khi nào tôi lắng nghe nỗi lòng mẹ chồng?

31/12/2017 - 15:10
Mỗi ngày tôi sống cùng mẹ chồng quả là địa ngục. Bà luôn áp đặt những suy nghĩ lạc hậu lên tôi, từ thức ăn thừa cũng khư khư giữ lại đến việc tôi nghén đồ chua bà cũng kêu hại dạ dày, hại con...
Ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng, trời khoác màu u ám rồi đổ mưa tầm tã. Khánh đến, với bó hoa tươi trên tay, với nụ cười trên khuôn mặt nhưng không thể che hết sự u buồn và âu lo của mình. Hành trình tới nhà anh có vài chục cây số mà tôi như ngồi trên đống lửa.

Tôi hoang mang vô cùng và bao nhiêu câu hỏi, suy đoán liên tục bật ra trong tâm trí. Lễ thành hôn kết thúc, tôi mới hay bố chồng tôi nhập viện tối qua.

Vậy là vừa bước về nhà chồng, ngày đầu tiên đã không còn là ngày vui như mong đợi. Sau đó là đằng đẵng 4 tháng trong bệnh viện cho tới khi bố qua đời. 4 tháng ấy, anh một mình quần quật với các công trình trên Hà Nội để lo tiền viện phí. Số lần chúng tôi gặp nhau gom lại chắc được 5-7 ngày.
Tôi tự hỏi chính mình, liệu tôi đã lắng nghe tiếng nói của mẹ chồng để thấu hiểu và cảm thông. Ảnh minh họa

Những tưởng khi sóng gió đã qua đi, nỗi buồn đau cũng vơi dần thì chúng tôi sẽ có khoảng thời gian bên nhau chăm chút cho tổ ấm. Tôi biết mình có thai và mẹ chồng yêu cầu tôi phải ở nhà để dưỡng thai. Tôi bước vào giai đoạn ốm nghén, không thể thêm gánh nặng cho Khánh khi từ sáng đến tối, anh đã phải lao lực ở công trường lo trả một khoản nợ lớn cho gia đình.

Mỗi ngày tôi sống cùng mẹ chồng quả là địa ngục. Bà luôn áp đặt những suy nghĩ lạc hậu lên tôi, từ thức ăn thừa cũng khư khư giữ lại đến việc tôi nghén đồ chua bà cũng kêu hại dạ dày, hại con.

Trước ngày sinh nửa tháng, tôi về bên ngoại. Nhà ngoại và nhà chồng chỉ cách nhau 20 cây số. Tôi sinh sớm hơn dự kiến 5 ngày. Chồng tôi phóng xe từ Hà Nội về ngay buổi trưa hôm ấy. Lúc tôi trong phòng chờ sinh, vật vã với cơn đau, tôi vẫn nghe váng vất bên tai mình tiếng mẹ chồng la lên: “Xem đã làm thủ tục bảo hiểm chưa? Cứ để thế sinh thì tốn kém lắm!”.

Khi ấy, tôi chỉ khao khát có bàn tay anh nắm chặt lấy để tôi đủ dũng cảm chống chọi với cơn đau. Nhưng dường như anh đã bị mẹ chồng tôi ngăn lại bởi cái bảo hiểm lúc ấy quan trọng hơn tất cả.

Rồi cu Tôm chào đời, kháu khỉnh và bụ bẫm. Thời gian sau đó, tôi cũng phải đếm từng ngày, từng ngày Tôm cứng cáp hơn để 2 mẹ con có thể xuống Hà Nội cùng anh. Nhiều khi tôi ngẫm nghĩ, cớ sao tôi và mẹ chồng lại không thể hòa hợp được? Anh nói với tôi rằng chúng tôi ở 2 thế hệ cách xa nhau, khó thể hiểu lòng nhau.

Dẫu ở 2 thế hệ, song tôi vẫn cần được bà lắng nghe tiếng nói của thế hệ tôi, không thể nhất mực áp đặt lối nghĩ lạc hậu của bà lên tôi được. Cu Tôm bị muỗi đốt, lấm tấm mấy nốt đỏ trên mặt, bà lấy nước bọt chấm vào từng nốt: “Vừa lành, vừa khỏi nhanh. Cái gì cũng thuốc thang có tốt đâu”. Tôi vội nói:

- Trong nước bọt có bao nhiêu vi khuẩn, trẻ con sức đề kháng còn yếu, mẹ làm vậy không tốt cho thằng bé đâu ạ.

Sau cơn giận, bà ngồi khóc tức tưởi, than trời than đất
Mẹ tôi đùng đùng nổi giận:

- Ra là chị cãi tôi à? Vâng, bà già như tôi không biết chăm cháu. Thằng Khánh nhà tôi nó khỏe mạnh thế, chả bao giờ biết ốm đau thuốc thang là gì đấy.

Sau cơn giận, bà ngồi khóc tức tưởi, than trời than đất. Khánh phải bỏ việc về nhà ngay chỉ vì cuộc cãi nhau của... 2 thế hệ.

Tôm 5 tháng tuổi, tôi và thằng bé xuống Hà Nội đoàn tụ cùng anh. Căn phòng trọ vỏn vẹn 20 mét vuông, không được rộng rãi thoáng mát như ở quê nhưng tôi không còn phải sống chung với 1 thế hệ khác. Tôi được tự do, được bên anh và tận hưởng những giây phút hạnh phúc trong tổ ấm bé nhỏ và thương yêu.

Cứ dăm ba hôm, mẹ chồng lại gọi, thúc giục tôi về với lý lẽ “ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, mà đâu có an toàn, sạch sẽ” rồi điệp khúc “thằng Khánh còn lo làm việc, xuống đó làm gì để nó vất vả thêm”...

Hai tháng sau, chúng tôi về thăm nhà, mẹ chồng ngồi buồn rầu hỏi tôi và Khánh rằng nếu khi bà mất, chúng tôi định xây mộ bà ở đâu, đặt bàn thờ ở vị trí nào... Tôi nghe mà lặng người, bùi ngùi, thương bà quá.

Đêm đó, tôi không ngủ được, cứ mãi nhớ về cái hôm tôi và cu Tôm ra ga tàu đi Hà Nội, mắt bà đỏ hoe. Sáng, bà dậy rất sớm và ngắm nhìn cu Tôm hồi lâu. Tôi bế con ra đến cổng, bà lặng lẽ quay vào nhà, ngồi thừ trên chiếc giường cũ. Tôi tự hỏi chính mình, liệu tôi đã lắng nghe tiếng nói của mẹ chồng để thấu hiểu và cảm thông chưa?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm