Đổi thay ở một xứ Mường nhờ xây dựng nông thôn mới

Hoàng Sa
24/12/2023 - 15:50
Đổi thay ở một xứ Mường nhờ xây dựng nông thôn mới

Người dân xã Quý Hòa (Lạc Sơn) góp sức tham gia làm đường giao thông trong xã. Ảnh: BHB

Đến xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình một ngày gần đây, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp trên một số con đường của xứ Mường này là hình ảnh nhiều phụ nữ, đa phần là đồng bào dân tộc Mường đang dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, cắt tỉa hoa 2 bên đường…

Lân la hỏi một phụ nữ đang tỉa cây, chúng tôi được biết, đây là hoạt động thường kỳ của người dân trong xã, giúp giữ gìn vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thấy hàng xóm trao đổi với phóng viên, chị Bùi Thị Hồng, ở xã Quý Hòa, thêm vào: "Trước kia, công việc dọn dẹp vệ sinh làng bản không được chú trọng thường xuyên, thường chỉ diễn ra vào những dịp lễ, Tết. Nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới, chị em chúng tôi thực hiện dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm theo lịch hàng tuần, hàng tháng. Lâu dần thành quen, ai cũng tự ý thức, tự chủ động đến lịch dọn vệ sinh là lại hô hào nhau đi làm".

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Nhương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, chia sẻ: Đều đặn, phụ nữ ở các thôn xóm trong xã lại tổ chức quét dọn đường làng ngõ xóm, phát cỏ, làm vệ sinh để cảnh quan xóm làng sạch sẽ. Các công việc này đã trở thành nề nếp của dân làng. Nhờ đó, cảnh quan thôn làng luôn được sạch đẹp, khang trang hơn.

Đổi thay ở một xứ Mường nhờ xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Người dân Quý Hòa tập trung dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm định kỳ

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Cùng dọn vệ sinh, các loại rác thải sinh hoạt của người dân trong xã cũng được phân loại để tiêu hủy đúng quy cách, có điểm thu gom rác thải đúng quy định. Vì thế, người dân cũng có ý thức tốt hơn, không còn vứt rác bừa bãi như ngày xưa nữa.

Bà Hoàng Thị Thêm, ở xóm Củ, xã Quý Hòa, chia sẻ: "Ngày xưa, rác thải tiện đâu vứt đấy, có lúc thì xả ra suối, ra bờ bụi, nhưng hiện mọi người đều phải để rác đúng nơi, đúng chỗ. Đến ngày đi dọn vệ sinh thì đốt rác tiêu hủy, giữ sạch môi trường làng xóm. Nhận thấy lợi ích của việc làm này, chị em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định, nhờ đó nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng tốt hơn".

Từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhất là khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, kinh tế-xã hội ở Quý Hóa có điều kiện phát triển, nhiều đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Người dân cũng có ý thức quy hoạch chuồng trại chăn nuôi vào quy củ, giữ gìn môi trường sống được trong lành.

"Con đường này ngày xưa lầy lội khi mưa xuống, bụi mù khi lắng lên. Đi qua rất khó chịu bởi mùi xú uế của chất thải chăn nuôi nhưng nay đã được bê tông hóa. Việc chăn nuôi, bà con cũng làm chuồng trại cẩn thận, chất thải chăn nuôi được đưa vào bể chứa làm biogas hoặc bón cho cây trồng nên không còn ô nhiễm môi trường sống. Các làng bản cũng đều có quy chế giữ gìn môi trường, nguồn nước đảm bảo đúng vệ sinh, tránh việc gây ô nhiễm, tạo mầm mống bệnh tật phát triển", Chủ tịch Hội LHPN xã Quý Hòa Bùi Thị Nhương vừa đi trên con đường bê tông sạch đẹp dẫn vào xóm Củ, vừa hồ hởi giới thiệu với chúng tôi.

Nhiều khó khăn cần khắc phục

Theo bà Nhương, thời gian đầu tổ chức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở xã Quý Hòa gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, bởi người dân quen với lối sống cũ, việc xử lý rác thải, việc quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm chưa được chú trọng. Rác thải trong sinh hoạt vẫn vứt bỏ tự do. Nhưng do kiên trì tuyên truyền, vận động đến từng thôn, từng hộ, đã giúp thay đổi tư duy, quan niệm cũ. Vì thế, người dân đã nhận thức tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống là trực tiếp bảo vệ cảnh quan làng bản, bảo vệ chính sức khỏe của mình cũng như cộng đồng.

Đổi thay ở một xứ Mường nhờ xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Điểm tập kết rác thải nhựa sau khi đã được phân loại

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, ông Bùi Văn Bèo, Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa, cho hay: "Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã đạt nhiều kết quả, trong đó có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Phụ nữ và người dân; giúp thay đổi nhận thức của người dân về việc giữ gìn môi trường sống. Tôi lấy thí dụ, trước kia còn tình trạng sử dụng túi nilon để đựng đồ, sau đó thì vứt bừa bãi ra đường làng ngõ xóm. Nhưng đến nay, người dân đã hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định. Đây chính là những hiệu ứng tích cực mà phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Quý Hòa còn gặp một số khó khăn. Quý Hòa là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, hiện có gần 6.200 nhân khẩu với trên 1.370 hộ gia đình, đa phần là đồng bào dân tộc Mường. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 28%, hộ cận nghèo khoảng 31%. Tỷ lệ trên đều giảm so với năm 2022 nhưng số hộ cận nghèo, hộ nghèo còn khá lớn. Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp trên, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế... Ước tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng.

Đổi thay ở một xứ Mường nhờ xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ và người dân tham gia tập huấn về bảo vệ môi trường sống ở xã Quý Hòa, chụp ảnh lưu niệm

Đạt được những kết quả tích cực trên, xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện nay, các tuyến đường liên xã, liên xóm cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Nhiều hộ hiến đất để làm đường giao thông, điển hình như hộ các ông: Bùi Văn Niền, Bùi Văn Cầu, Bùi Văn Châu (xóm Thang)... Chiến dịch toàn dân làm giao thông nông thôn đạt kết quả tích cực. Các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp được kịp thời tu sửa, đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Dự kiến năm 2025, xã sẽ hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Cuộc sống từng bước được cải thiện, người dân quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần. Hiện nay, 11/12 nhà văn hóa của các xóm phát huy hiệu quả là nơi sinh hoạt cộng đồng. 1 nhà văn hóa đang xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Người dân trong xã được dùng điện và nước sạch.

Ông Bùi Văn Bèo, Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa, cho biết thêm: "Do địa bàn xã Quý Hòa có gần 100% là đồng bào người dân tộc thiểu số, lại ở xa trung tâm huyện, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nên việc xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các Hội đoàn thể và của tất cả người dân trong xã, những năm qua cũng đạt được nhiều thành tích, hiện xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể là các tiêu chí: Thông tin và truyền thông, Lao động có việc làm, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Quốc phòng và an ninh.

Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, ngay từ đầu năm 2023, chính quyền xã Quý Hòa đã ban hành quyết định số 42 ngày 28 tháng 02 năm 2023 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cấp xã, Kế hoạch 03 ngày 13/01/2023 về Ban hành kế hoạch xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) năm 2023.

Năm 2023, xã cũng để nghị công nhận đạt thêm 02 chí xây dựng nông thôn mới gồm tiêu chí số 13 (Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) và tiêu chí số 18 (Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật). Với sự nỗ lực của chính quyền xã và người dân, cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ cấp trên, đến cuối năm nay, cả 2 tiêu chí này đã đạt.

Mặc dù Quý Hòa đã tận dụng mọi lợi thế để hoàn thành nhiều tiêu chí nông thôn mới, tuy nhiên do một số khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng giao thông, tiêu chí về nhà ở… còn nhiều trở ngại. Hiện, toàn xã mới bê tông hóa được trên 14/27 km đường giao thông nên việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới còn chậm.

Theo ông Bèo, trong thời gian tới, Quý Hòa sẽ phát huy nội lực, xã hội hóa và tận dụng sự hỗ trợ của cấp trên cũng như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, để hoàn thiện 7 tiêu chí con lại. Tuy nhiên, các tiêu chí này yêu cầu cao hơn, khó thực hiện hơn. "Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho hoàn thành tốt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, kênh mương và công tác đào tạo việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, bản thân địa phương cũng đặt ra các mục tiêu kế hoạch để vượt qua những khó khăn, thử thách, tiến tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2025", ông Bùi Văn Bèo cho biết.

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Quý Hòa, bên cạnh sự hỗ trợ từ cấp trên, thiết nghĩ Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Quý Hòa cần tích cực hơn nữa trong triển khai các hoạt động, phong trào trong xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Có như vậy, bộ mặt nông thôn xứ Mường này mới tiếp tục "thay da đổi thịt", góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của xã nói riêng và toàn huyện Lạc Sơn nói chung.

* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm