Gen Z và 1.001 lý do nghỉ việc

Nga Thanh
06/05/2024 - 16:52
Gen Z và 1.001 lý do nghỉ việc

Ảnh minh họa

Là sinh viên, Đoàn Hiếu Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không ngại làm thêm. Tuy nhiên, cậu chưa làm ở đâu quá 3 tháng, với rất nhiều lý do nghỉ việc như: khó chịu với bạn cùng làm, lương không xứng với công sức bỏ ra…

Hiếu Anh là một chàng trai năng động. Vừa thi xong tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn nghỉ xả hơi, đi du lịch, đi chơi, ngủ cho no mắt… thì cậu xin đi làm thêm. Hiếu Anh làm cho một quán cà phê, với tiền công là 20.000 đồng/giờ. Thế nhưng, chỉ làm được 2 tháng cậu đã xin nghỉ vì "bị quản lý mắng". 

Ngồi nhẩm tính, Hiếu Anh thấy thu nhập từ việc đi làm ở quán cà phê khá thấp nên cậu quyết định đi làm gia sư, với tiền công 150.000 đồng/buổi. Công việc không nặng nhọc, thu nhập lại cao hơn, những tưởng cậu sẽ gắn bó với công việc này, thế nhưng hết tháng cũng là lúc Hiếu Anh xin nghỉ vì không thể kiên nhẫn được với cậu bé học sinh lớp 6 không tập trung học.

Không lâu sau, Hiếu Anh xin làm trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh. Cậu hào hứng khoe đây là công việc mà lâu nay cậu tìm kiếm. Ngoài làm trợ giảng, cậu cũng có cơ hội nói chuyện với những giáo viên người nước ngoài. Đó cũng là cách để cậu nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. 

Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng gắn bó với công việc này, cậu cũng xin nghỉ. Quản lý trả lương chậm ngày, đó là lý do nghỉ việc của Hiếu Anh.

Vũ Kiều Minh (ở quận Gò Vấp, TPHCM) cũng là người không ngại… nghỉ việc. Mới 25 tuổi nhưng Kiều Minh đã 3 lần "nhảy việc". Những lần nghỉ việc của Kiều Minh đều có chung một lý do: Bất đồng quan điểm với sếp.

Là người làm việc với nhiều "gen Z", Nguyễn Khánh Dương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thái độ làm việc của nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu chuyên nghiệp. 

"Việc mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm với sếp thì ở công ty nào cũng có. Nếu đó là lý do nghỉ việc thì các bạn sẽ khó có thể ổn định công việc và phát triển bản thân. Với những người có kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rằng, thay vì tranh cãi, chúng tôi chọn thay đổi bản thân để thích ứng, phù hợp với mọi hoàn cảnh".

Theo chị Đoàn Thu Thảo, một người làm trong lĩnh vực nhân sự, có 1.001 lý do nghỉ việc của người trẻ: Không vui- nghỉ. Không thấy công việc thú vị- nghỉ. Thiếu cơ hội phát triển bản thân- nghỉ… 

Bởi với nhiều "gen Z", lương không phải là yếu tố quyết định việc gắn bó với công việc. Nếu công việc không thú vị, cảm thấy không được tôn trọng, họ quyết định nghỉ việc rất chóng vánh. 

Theo chị Thảo, "gen Z" có nhiều điểm mạnh, họ cũng là những người cá tính, đề cao cái tôi, sự tự do của mình. Chị Thảo cho biết, các thế hệ 7X, 8X như chị, khi muốn thay đổi công việc thường cân nhắc kỹ: 

Có cách nào để giải quyết vấn đề mà không cần "nhảy việc"? Khi "nhảy việc" rồi mà vẫn gặp các vấn đề cũ thì cần phải làm gì? Mong muốn nhận được điều gì từ công việc mới? Thế nhưng, không phải người trẻ nào cũng cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhảy việc. 

Trong nhiều trường hợp, chỉ cần cảm thấy khó chịu với một yếu tố nào đó của công việc, các bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc, bất kể cơ hội học hỏi và phát triển bản thân đang có ở nơi làm việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm