Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới

Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (thứ 2 từ phải sang) tại sự kiện giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN do Hội LHPN tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức (tháng 8/2023).

Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (thứ 2 từ phải sang) tại sự kiện giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN do Hội LHPN tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức (tháng 8/2023).

Thời gian qua, việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi và biên giới luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN các cấp.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ nhằm nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới- Ảnh 1.

Tại Thanh Hóa, Hội LHPN tỉnh phối hợp trao tặng sinh kế (con giống) cho hội viên, phụ nữ nghèo khu vực DTTS miền núi, biên giới xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân.

Cụ thể hóa nhiệm vụ, trong nhiều năm qua các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phụ nữ DTTS vùng biên giới khởi nghiệp, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương để xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế theo hướng liên kết chuỗi, đảm bảo tính bền vững.

Đồng thời, Hội LHPN các cấp còn tích cực lồng ghép, vận động nhiều nguồn lực để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ DTTS thoát nghèo đa chiều thông qua xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế, HTX, tổ hợp tác; phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp gắn với thực hiện 3 chương trình MTQG, Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và các đề án của Chính phủ có liên quan.

Kết quả các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS vùng biên giới

Đầu tư thành lập, phát triển các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, HTX là hoạt động trọng tâm của các cấp Hội nhằm giúp phụ nữ tại địa bàn DTTS, biên giới còn nhiều khó khăn thoát nghèo bền vững.

Các hoạt động hỗ trợ triển khai theo hướng khuyến khích, tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo DTTS phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; tăng cường kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, chính quyền địa phương trong hỗ trợ phát triển sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tạo ra thu nhập.

Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay Hội LHPN đã phối hợp, hỗ trợ thành lập hơn 4.700 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ. Rất nhiều trong số đó là các tổ hợp tác/hợp tác xã tại vùng đồng bào DTTS, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục ngàn lao động nữ DTTS.

Đặc biệt, tại địa bàn 210 xã biên giới thuộc Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương riêng năm 2023, Hội LHPN các cấp, các đơn vị đồng hành đã huy động được tổng nguồn lực gần 49 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ duy trì, thành lập 512 mô hình sinh kế với sự tham gia của 1.667 thành viên; trong đó, cấp TW Hội đã phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ giải ngân được 34 mô hình/3,4 tỷ đồng (100 triệu/mô hình) tới 34 xã tại 26 tỉnh từ nguồn nhắn tin Đồng hành 1.400 năm 2022; hỗ trợ 47.810 cây giống, hơn 46.300 con giống các loại (chủ yếu là gia súc, gia cầm bò, lợn, gà, cây dược liệu, cây ăn quả...); hỗ trợ, duy trì, thành lập 100 tổ, nhóm tín dụng, tiết kiệm thu hút được 1.939 thành viên tham gia với nguồn vốn huy động được hơn 23,7 tỷ đồng...

Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới- Ảnh 2.

Tại Nghệ An, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tháng 5/2023)

Các mô hình sinh kế đã giúp phụ nữ phát huy nội lực, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, hình thành thói quen tiết kiệm để tái đầu tư, hoàn lại giá trị được hỗ trợ cho phụ nữ khác để giúp nhiều phụ nữ nghèo được hưởng lợi từ chính sách.

Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới- Ảnh 3.
Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới- Ảnh 4.
Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới- Ảnh 5.

Các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ vùng DTTS, miền núi, biên giới luôn được Hội phụ nữ các cấp chú trọng, triển khai

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng là một ưu tiên của Hội LHPN Việt Nam thông qua thực hiện có hiệu quả đề án của chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, các cấp Hội đã hỗ trợ hơn 63.800 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó, số phụ nữ DTTS được tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp thành công đạt hơn 1.100 chị, khoảng gần 200 nghìn chị được tập huấn, chuyển giao KHKT, dạy nghề, giới thiệu việc làm.

Về vốn tín dụng chính sách xã hội được Hội LHPN Việt Nam tích cực khai thác, nhận ủy thác đến 98,33% số xã phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng DTTS, giúp hàng chục ngàn phụ nữ DTTS tiếp cận vốn vay thuận lợi, phát triển sản xuất, thoát nghèo, giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống.

Tính đến 31/3/2023, các chỉ tiêu tín dụng qua ủy thác của Hội LHPN các cấp đạt ở mức cao, dư nợ đạt trên 111,23 nghìn tỷ đồng thông qua 62.222 tổ tiết kiệm, vay vốn của Hội, vận động thực hiện tiết kiệm tại tổ đạt trên 6,33 nghìn tỷ đồng…

Tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ DTTS

Các mô hình, hoạt động can thiệp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, biên giới đã có tác động rất tích cực đến đời sống của phụ nữ DTTS và đóng góp không nhỏ vào thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, của đất nước.

Thông qua hoạt động kinh tế, chị em được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động, sản xuất, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội, có tiếng nói hơn trong các quyết định trong gia đình và ngoài cộng đồng.

Cũng từ kết quả của phong trào Hội, Hội phụ nữ cơ sở tham mưu việc xây dựng, quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, tạo điều kiện cho chị em được tham gia các lớp sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị tại huyện, tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú cho cấp ủy Đảng để phát triển đảng viên, từ đó, đội ngũ cán bộ nữ cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều chị được giới thiệu tạo nguồn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của xã.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện các mô hình, hoạt động can thiệp, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, biên giới vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Ngoài các yếu tố khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thì chất lượng nguồn nhân lực nữ vùng đồng bào DTTS, biên giới còn rất hạn chế, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, lao động giản đơn vẫn là chủ đạo. Đây là trở ngại lớn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại giá trị cao cho các mô hình sinh kế.

Phụ nữ DTTS còn chịu nhiều tác động của phong tục tập quán, đặc biệt là một số hủ tục lạc hậu, bất bình đẳng giới khiến chị em chưa phát huy được nội lực bản thân để vươn lên, thực sự mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Do đó, hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ chưa thực sự cao.

Đội ngũ cán bộ Hội tại các khu vực DTTS, biên giới vẫn còn hạn chế về trình độ, năng lực, không giao tiếp được bằng tiếng dân tộc. Sự chủ động, nhạy bén của cán bộ Hội trong hướng dẫn triển khai xây dựng mô hình, các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS vùng biên giới có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Chất lượng hoạt động tuyên truyền, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, biên giới của Hội LHPN các cấp chưa đồng đều ở các địa phương. Một số nơi chưa thực sự đổi mới, sáng tạo về nội dung và hình thức tuyên truyền. Tài liệu/sản phẩm truyền thông và phương thức/hình thức truyền thông mang tính chất đặc thù bằng tiếng dân tộc, phù hợp với văn hóa, đối tượng phụ nữ DTTS còn thiếu và chưa hấp dẫn.

Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thực hiện mô hình sinh kế, nhất là các mô hình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có lúc chưa thường xuyên, toàn diện.

Công tác phối hợp, huy động sự tham gia của các ban, ngành địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và vận động nguồn lực cho các mô hình, hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều mô hình và hoạt động hỗ trợ còn nhỏ lẻ, chưa theo chuỗi, thiếu bền vững. Ví dụ, các mô hình sinh kế về trồng trọt, chăn nuôi ở một số địa bàn biên giới mới chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ cây, con giống, chưa đủ nguồn lực để kết nối trong hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm...

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã làm gián đoạn và đứt gãy một số nguồn tiêu thụ chính của các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu của các địa phương. Nhiều mô hình chưa biết chuyển đổi sang cây trồng vật nuôi khác và chưa có giải pháp tìm kiếm thị trường thay thế nên hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.

Số lao động nữ DTTS làm việc tại các khu công nghiệp bị mất việc làm ngày càng gia tăng, yêu cầu chuyển đổi sinh kế cho đối tượng này tại các địa phương là rất cấp thiết để đảm bảo an sinh xã hội, tuy nhiên, chưa có định hướng và chiến lược cụ thể để các địa phương tập trung giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Đề xuất một số giải pháp

Đối với Đảng, Nhà nước, các bộ ngành liên quan

Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các CTMTQG, chương trình, đề án của Chính phủ, đặc biệt tại địa bàn DTTS nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào và hội viên, phụ nữ DTTS, biên giới.

Tiếp tục quan tâm tới công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ DTTS và cán bộ làm công tác dân tộc để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ vùng DTTS có trình độ, năng lực đảm đương tốt nhiệm vụ tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tăng cường phối hợp giữa Hội LHPN với các bộ ngành liên quan trong xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi sinh kế tại địa phương cho các đối tượng lao động nữ DTTS bị mất việc làm tại các khu công nghiệp.

Đối với TW Hội LHPN Việt Nam

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ Đại hội PNTQ 2022-2027 thông qua thực hiện tốt Chương trình Đồng hành cùng PNBC giai đoạn 2021-2025, Dự án 8 "Thực hiện ĐBG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN và trẻ em" trong Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, các nội dung được phân công trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, CT MTQG Nông thôn mới và các đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030...

Đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, các hoạt động ứng dụng khoa học cộng nghệ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, quảng bá kinh doanh du lịch gắn với phát triển bản sắc văn hóa các DTTS... Thí điểm triển khai mô hình truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, chú trọng truyền thông số gắn với phát triển sinh kế bền vững vùng DTTS biên giới.

Chỉ đạo Hội LHPN cấp tỉnh/thành triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá các mô hình sinh kế cho phụ nữ đang triển khai tại các xã biên giới (giai đoạn từ nay đến 2025) để có giải pháp hỗ trợ, điều chỉnh, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả nhằm phát huy nguồn lực, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, đề xuất, vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi sinh kế bền vững; Mở rộng khai thác các nguồn lực trong hỗ trợ thực hiện các mô hình, các giải pháp thúc đẩy phụ nữ DTTS phát triển kinh tế.

Đối với Hội LHPN tại vùng DTTS miền núi, biên giới

Tăng cường phối hợp, kết nối các mô hình sinh kế với các tổ chức, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ chuỗi liên kết, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ khác nhau và hỗ trợ ứng dụng công nghệ để đảm bảo tính bền vững của các mô hình. Phát huy hơn nữa vai trò đồng hành của Hiệp hội nữ Doanh nhân, Hội nữ trí thức trong hỗ trợ nguồn lực triển khai các mô hình, hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, biên giới.

Các cấp Hội vùng DTTS, biên giới tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với văn hóa, đặc thù vùng miền DTTS để tư vấn, giới thiệu, vận động hội viên, phụ nữ DTTS vùng biên giới tích cực tham gia các hoạt động đào tạo nghề và khởi nghiệp. Đồng thời, kết nối nhu cầu để tăng tỷ lệ phụ nữ DTTS có việc làm, thu nhập ổn định, khởi nghiệp thành công sau các hoạt động hỗ trợ.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở Hội vùng DTTS biên giới, phát huy vai trò của hội viên nòng cốt, là hạt nhân dẫn dắt, truyền cảm hứng cho hội viên phụ nữ DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế gia đình.

Tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc triển khai các hoạt động nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn liên quan đến hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS tại vùng biên giới còn đang gặp khó khăn, hạn chế để kịp thời có kế hoạch đôn đốc, thúc đẩy, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

    Ý kiến của bạn
    (*) Nội dung bắt buộc cần có

    Nhập thông tin của bạn

    Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

    Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

    Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.