Họa sĩ Nam Anh triển lãm cá nhân đầu tiên sau 50 năm cầm cọ

Hòa Bình
27/08/2022 - 07:55
Họa sĩ Nam Anh triển lãm cá nhân đầu tiên sau 50 năm cầm cọ

Một tác phẩm của họa sĩ Nam Anh

Ở tuổi 65, trên 50 năm cầm cọ, họa sĩ Nam Anh mới mở triển lãm cá nhân đầu tiên, và cũng là triển lãm duy nhất trong sự nghiệp sáng tác.

Họa sĩ Nam Anh tên thật là Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1957 tại Đồng Tháp. Năm 1971, khi mới 14 tuổi ông được tuyển vào học Mỹ thuật tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Sài Gòn. Năm 1975, ra trường, ông đi vẽ tự do và tham gia các hoạt động trong ngành Trang trí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm 1989 ông theo học mỹ thuật tại Cộng hòa Bungaria để nâng cao kiến thức về hội họa, đến năm 1992 mới về nước.

Họa sĩ Nam Anh là Hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông thường xuyên có tranh được tuyển chọn tham gia các triển lãm của Hội Mỹ thuật, triển lãm nhóm, triển lãm Câu lạc bộ, triển lãm giao lưu tranh màu nước ở trong nước và quốc tế. Ông cũng đạt được nhiều giải thưởng Mỹ thuật, điển hình là Giải thưởng Philip Morris, giải thưởng Cathay Pacific (Hồng Kong)... Năm 2018, ông đã có cuộc triển lãm nhóm về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với chủ đề Sài Gòn hẻm... Tác phẩm của ông được nhiều nhà sưu tầm ở trong và ngoài nước sưu tập.

Tháp Rùa - Hồ Gươm, tranh sơn mài của họa sĩ Nam Anh

Tháp Rùa - Hồ Gươm, tranh sơn mài của họa sĩ Nam Anh

Tuy nhiên, suốt hơn nửa thế kỷ cầm cọ, đến nay họa sĩ Nam Anh mới mở triển lãm cá nhân đầu tiên. Triển lãm sẽ được khai mạc vào 10h sáng thứ Bảy, ngày 27/8 tại Bình Minh Art gallery (số 29A đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5/9, trưng bày 62 tác phẩm, trong đó có 14 bức tranh sơn mài, 16 bức sơn dầu, 1 bức sơn khắc, 1 bức in khắc gỗ và 30 bức màu nước tiêu biểu của ông qua các thời kỳ.

Bạn bè văn nghệ cho hay, với bản tính hòa đồng, thích công việc xã hội, họa sĩ Nam Anh luôn có mặt trong các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật tổ chức. Và cũng chính từ những chuyến đi thực tế ấy đã hình thành bộ tranh ký họa với hàng ngàn bức vẽ chủ yếu bằng bút kim, màu nước, chì... ghi lại phong cảnh tươi đẹp của các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử..., cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở khắp các vùng miền hoặc sự phát triển, đổi thay của quê hương, đất nước...

Tác phẩm "Phố đêm" - tranh sơn mài

Tác phẩm "Phố đêm" - tranh sơn mài

Tác phẩm "Xích lô"

Tác phẩm "Xích lô"

Ngoài sáng tác tranh, ông còn chế tác các sản phẩm sơn mài như tủ, hộp, bình, mâm, dĩa, tượng, bình phong... rất đa dạng, phong phú để làm quà tặng, đồ trang trí, đồ gia dụng, decor.... Ông còn nhận phục chế tranh sơn mài bị hư hỏng, xuống cấp...

Nhận xét về tranh Nam Anh, nhà sưu tầm nghệ thuật - Luật sư Trương Văn Thuận cho rằng: "Trong sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ Nam Anh được biết tới bởi khả năng đa dạng trong ngôn ngữ, thủ pháp, kỹ thuật chất liệu từ đồ họa, hội họa lẫn trang trí... Ông đã thành công trên rất nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn mài, sơn khắc, sơn dầu, khắc gỗ, màu nước... Riêng về tranh sơn mài, ông sáng tác theo phong cách truyền thống".

Chùa Một Cột (sáng tác năm 2017), Tháp Rùa, Hồ Gươm (sáng tác năm 2020) hay tác phẩm Chùa Thầy (sáng tác năm 2020) của họa sĩ Nam Anh là những ví dụ điển hình của chất liệu sơn mài truyền thống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm