Học sinh Hà Nội căng thẳng vì thi 'tổ hợp'

22/03/2017 - 08:32
Sáng nay (21/3), lần đầu tiên làm bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Lý, Hóa, Sinh) trong kỳ thi thử THPT quốc gia, nhiều học sinh Hà Nội cho biết khá mệt mỏi, căng thẳng với dạng đề này.

Chị Hoàng Thùy Mai (Ngã Tư Sở, Hà Nội) lo lắng, khi thấy con gái về nhà với sự mệt mỏi khi trong một buổi sáng con chị phải làm 3 đề thi khác nhau. “Ngày trước, mỗi buổi thí sinh phải làm một đề. 2 ngày thi 4 môn cũng đã vô cùng căng thẳng. Vậy mà, giờ đây, một buổi sáng học sinh phải làm 3 đề thì thật sự quá sức. Dù mỗi đề thời gian ngắn hơn (50 phút/đề), nhưng như thế cũng khiến học sinh có nhiều áp lực. Với những em học giỏi thì đơn giản, nhưng những em học trung bình thì… “trở tay không kịp”, chị Thùy Mai chia sẻ.

Điều khiến chị Thùy Mai khá ức chế khi đề thi thử năm nay có nhiều sạn khiến con chị cũng như các thí sinh khác có tâm lý hoang mang. “Lẽ ra đề thi thử với mục đích để học sinh thử sức, làm quen với đề thi, giải tỏa tâm lý lo lắng cho học sinh trước kỳ thi thì những lỗi sai của đề lại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của thí sinh. Trong lúc làm bài, các con rất hoang mang trước những lỗi sai khá ngớ ngẩn. Dù là thi thử, nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội cần phải thẩm định đề kỹ càng hơn, tránh tạo thêm áp lực không đáng có cho học trò”, chị Thùy Mai cho biết.

Cùng tâm trạng với chị Thùy Mai, chị Dương Hoài Thu (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cho rằng, việc ra đề thi thử phải rất thận trọng bởi nó không khác gì con dao hai lưỡi. Đề thi khó thì khiến học sinh hoang mang, mất tinh thần,  đề thi dễ lại khiến học sinh chủ quan. Đề thi nên phân loại rõ ở 3 mức độ: Giỏi, khá, trung bình. Song với đề thi thử của Hà Nội, phân loại được rõ ràng học sinh giỏi và trung bình, do đó khiến những học sinh có học lực khá lo lắng.

Một buổi sáng làm 3 đề thi khiến học sinh vô cùng mệt mỏi - Ảnh minh họa: Quý Trung. 

Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc (hoc mai.vn)  nhận định: "Đề an toàn quá, không đặc sắc. Có lẽ vì học sinh chưa chuẩn bị kỹ, tâm lý chưa sẵn sàng nên Sở GD&ĐT Hà Nội đã chọn phương án thận trọng là đặt ra một mức độ yêu cầu không quá cao trong đề thi này. Tôi lo nhất là học sinh nhìn vào đề này và nghĩ rằng đề thi THPT quốc gia cũng chỉ ở mức độ đó. Các em cần phải biết, đề thi thật sẽ rất khác so với đề thi thử này và không nên chủ quan".

Sáng mai (22.3), học sinh sẽ làm bài thi Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), mỗi đề làm trong 50 phút. Đây cũng là buổi thi cuối cùng của đợt thi thử này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm