Hội chứng lạ khiến người mẹ sợ tiếng cười của con

Khắc Nam (Tổng hợp)
25/03/2024 - 15:54
Hội chứng lạ khiến người mẹ sợ tiếng cười của con

Karen Cook phải đeo tai nghe để giảm tiếng ồn. Ảnh: Odditycentral

Đó là căn bệnh có tên Hyperacusis (hay còn gọi là hội chứng nhạy cảm với âm thanh), tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người mắc bệnh.
Sợ âm thanh

Theo trang tin Odditycentral của Mỹ, trong khi mọi người cảm thấy vui mỗi khi nghe thấy con cái cười đùa hay nghe tiếng nhạc du dương thì chị Karen Cook, 49 tuổi, ở Southport (Anh), lại thấy như thể bị tra tấn, đau đớn cực độ do căn bệnh hiếm gặp chị đang mắc phải. 

Chuyên môn gọi là hội chứng Hyperacusis. Hyperacusis có thể hiểu là bệnh nhạy cảm với âm thanh hay chứng rối loạn tăng thính, gây đau đớn cho người mắc phải.

Theo chị Karen Cook, những tiếng động hàng ngày, chẳng hạn như tiếng cười của trẻ con, giọng nói của bạn bè, thậm chí cả âm nhạc đều khiến chị cảm thấy đau đớn, tê liệt. Căn bệnh này xuất hiện cách đây gần 4 năm khi chị còn làm tiếp viên hàng không. 

Năm 2020, chị bắt đầu bị mất thính giác nhưng kinh khủng hơn là sau đó thính lực của Karen bị khuếch đại, khiến những âm thanh hàng ngày dù êm dịu đến đâu cũng trở nên khó chịu với Karen. "Đôi khi như thể có ai đó đổ dung nham nóng vào tai tôi. Đầu tôi như bốc cháy và đau nhức, đặc biệt là phần sau hốc mắt", chị Karen Cook tâm sự.

Kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh tăng thính lực, Karen đã cố gắng chữa trị để kiểm soát được các triệu chứng nhưng mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại, người phụ nữ này dành phần lớn thời gian trong nhà vì không thể chịu đựng được tiếng ồn của thế giới bên ngoài. 

Nhưng ngay cả khi ở nhà một mình, chị cũng đeo nút tai và dụng cụ chặn tiếng ồn. "Tiếng cười của hai đứa con và âm thanh ở khắp mọi nơi. Nó giống như không khí, tôi không thể thoát khỏi nó, khiến tôi trở thành tù nhân, không khác gì cực hình", chị Karen Cook nói thêm.

Mới đây, Karen đã tạo một chiến dịch gây quỹ trên Facebook để quyên tiền cho nghiên cứu về Hyperacusis. "Nếu bạn đang sử dụng Facebook, bạn có thể quyên góp cho quỹ tại đây. Nếu không sử dụng Facebook, bạn có thể quyên góp trên trang web của chúng tôi", Karen viết trên trang Facebook cá nhân.

Những cách kiểm soát bệnh hiện có

Nhạy cảm với âm thanh (Hyperacusis) là thuật ngữ chỉ độ nhạy tiếng ồn, tạo ra cảm giác khó chịu, thậm chí đau đớn khi nghe âm thanh lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh, khiến họ cảm thấy khó chịu hoặc không thể chịu đựng được khi tham gia các hoạt động xã hội, công cộng hoặc liên quan đến công việc hàng ngày.

Nhiều nghiên cứu về hội chứng này đã được thực hiện nhưng chưa biết được chính xác nguyên nhân. Các bác sĩ cho rằng, bệnh này xuất hiện do cả yếu tố tâm lý và vật lý.

 Hyperacusis thường có liên quan đến cách âm thanh tác động đến não bộ và kích hoạt các phản xạ vô điều kiện của cơ thể. Có nhiều yếu tố nguy cơ như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu và hội chứng Tourette…

Hiện không có cách cụ thể nào để chẩn đoán hội chứng nhạy cảm với âm thanh mà chủ yếu chẩn đoán dựa vào các biểu hiện bệnh, hoàn cảnh xuất hiện... Y học hiện đại cũng chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn chứng nhạy cảm với âm thanh. 

Tuy nhiên, có thể kiểm soát bệnh theo những cách khác nhau. Cách tốt nhất là hạn chế âm thanh được truyền đến bằng cách sử dụng tai nghe hoặc các thiết bị chuyên dụng. Một quy trình phẫu thuật cũng đã được mô tả trong tài liệu y khoa, bao gồm việc đặt mô vào tai giữa để làm giảm cường độ âm thanh. 

Toàn bộ cuộc phẫu thuật được thực hiện qua ống tai bằng cách sử dụng kính hiển vi phẫu thuật. Phẫu thuật ít xâm lấn và vết mổ khó nhìn thấy được. Bệnh nhân được xuất viện trong ngày và thường có thể trở lại làm công việc nhẹ trong vòng 2 ngày sau phẫu thuật. 

Ngoài ra, có thể áp dụng liệu pháp kiểm soát ù tai dành cho những người không thể chịu đựng tiếng ồn. Người bệnh nên tư vấn bác sĩ, thay đổi lối sống, ăn uống khoa học, đủ chất, năng vận động và tránh căng thẳng để giảm bệnh, giúp cuộc sống dễ chịu hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm