Hội đã thay đổi cuộc sống của chị em Bản Rào Con

07/12/2016 - 12:25
Là một người gắn bó với công tác Hội gần 20 năm, tôi đã có biết bao chuyến công tác đến nhiều địa phương, tỉnh, thành phố trong cả nước. Miền núi, miền biển, miền xuôi hay ngược, tôi đều có mặt.

Mỗi chuyến đi là một hành trình đầy những kỷ niệm khó quên đối với tôi, nhiều tình huống hài hước, được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với biết bao chị em ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, được mắt thấy, tai nghe những câu chuyện của các chị làm công tác Hội ở cơ sở. Điều sâu sắc nhất tôi nhận ra là đến với hội viên phụ nữ ở cơ sở, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì các hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ thực sự rất có ý nghĩa với chị em.

Một thực tế là, để hoạt động ấy đến được với chị em, thu hút chị em còn phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của những cán bộ Hội tâm huyết, say mê công tác Hội. Có những chuyện được nghe kể từ những chuyến đi đã lâu vẫn khiến tôi nhớ mãi.

Đó là lần tôi đi công tác ở một tỉnh miền núi phía Bắc, cách đây hơn 10 năm, nhiều thôn bản vùng sâu vùng xa khi đó còn đang trắng tổ chức Hội, đoàn công tác đến tổ chức tập huấn tài liệu “Những điều cần cho sự sống” cho chị em là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, rất nhiều chị em không nói được hoặc ngại giao tiếp bằng tiếng Kinh, việc giao tiếp chủ yếu qua chị Chi là Hội trưởng. Chị kể về những khó khăn khi phải đi vận động chị em tham gia lớp tập huấn hay học tập ở lớp xóa mù chữ. Các chị ở rất xa nhau, có khi cách vài quả đồi, đường rất khó đi, tập huấn chỉ có 2 ngày mà chị phải đi vận động, thông báo đến cả tuần mới hết các thành viên. Chuyện của chị Chi cười ra nước mắt khi chính ông chồng hài hước của chị buông một câu: "Bà ấy về nhà chỉ đưa chân vào chăn chưa hết lạnh đã rút chân ra". Khó khăn là vậy nhưng chị bảo, nhờ tham gia công tác Hội mà chị đọc được sách báo, nhờ chồng giúp đỡ việc nhà, biết cách làm ăn và chị phải vận động các chị em khác tích cực tham gia các hoạt động Hội phụ nữ để được như chị. 

 Lớp xóa mù chữ do Hội LHPN xã Sơn Trạch tổ chức

Câu chuyện để lại ấn tượng nhất là chuyến tham gia đoàn công tác làm việc tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mới đây. Ấn tượng với tôi hôm đó là hình ảnh 3 chị hội viên thuộc Chi hội bản Rào Con. Các chị đến tham dự cuộc họp BCH sau khi vượt qua quãng đường đi bộ hơn 18km qua rừng bằng chân đất.

Bản Rào Con là bản khó khăn nhất xã, có 36 hộ với trên 100 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trước đây do thói quen du canh du cư nên bản nằm tách xa khu dân cư của xã, nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, cách trung tâm xã khoảng 18km. Bản chưa có điện lưới, đường lên bản còn sơ khai, gập ghềnh khiến việc đi lại và cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Với mong muốn giúp chị em ở bản có cuộc sống ổn định và hòa nhập, Hội LHPN xã đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho chị em, hướng dẫn chị em cách tổ chức cuộc sống, vận động con em đến trường. Mỗi chi hội dưới xã giúp đỡ xây dựng quỹ cho Chi hội Rào Con để chị em phấn khởi tham gia hoạt động Hội. Từ chỗ còn ngại tiếp xúc với người lạ, giờ đây chị em đã mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động của Hội, dù mỗi lần xuống xã chị em phải đi bộ vài giờ đồng hồ.

Nhiệt tình với hoạt động của Hội nhưng do phần lớn chị em mù chữ nên hạn chế trong nắm bắt các nội dung, nâng cao kiến thức, kỹ năng, Hội LHPN xã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện quyết tâm tổ chức lớp xóa mù chữ cho chị em ngay tại phân nhánh của Trường Tiểu học số 2 trong bản. Trong buổi khai giảng, ngoài 35 chị đã đăng ký học trước đó, còn có rất nhiều chị em khác trong bản tham dự, mỗi chị được tặng một đôi dép xốp - món quà giản dị mà thật ý nghĩa với các chị và lớn hơn cả là các chị nhận được những lời động viên, khích lệ và những cái bắt tay thật chặt mang đầy niềm tin, hy vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm