Hợp đồng hôn nhân là điều đang khiến chị khó nghĩ (Ảnh minh họa)
Ngoài 20 tuổi lấy chồng, chị nếm trải hết những nỗi cực nhọc của cuộc sống gia đình bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Vợ chồng sống chung cùng với mẹ già, trong căn nhà do bố mẹ chồng chị đứng tên. Đó là một căn nhà cấp 4. Trong hơn chục năm chồng vợ, chị đã tiết kiệm tiền bạc, lên thành nhà 5 tầng. Tuy nhiên, diện tích mặt bằng chỉ đủ thiết kế mỗi tầng một căn phòng hẹp. Được mỗi điều là nhà ở trung tâm thủ đô nên cũng có thể được coi là tấc đất tấc vàng.
Bất ngờ, chồng chị bị phát giác ra là có đứa con riêng. Cô tình nhân quyết liệt biến anh thành “của riêng”. Chị đau đớn phải ký vào đơn ly hôn vì không chịu nổi thói vô học của cả cô ta và chồng mình. Thêm một nỗi hận nữa mà chị không ngờ tới là chị buộc phải ra đi với hai bàn tay trắng bởi nhà vẫn đứng tên mẹ chồng và chị không có cách gì chứng minh số tiền bỏ ra để xây nhà chính là tiền mồ hôi nước mắt của chị. Trên thực tế, đúng là tiền riêng của chị bỏ ra xây nhà, bởi vì chồng chị chưa bao giờ là người chí thú làm ăn.
Ôm nỗi hận lòng quá lớn, chị quyết tâm nuôi đứa con trai duy nhất, xây dựng lại cuộc đời. Vốn là người đảm, lại biết tính toán, sau vài năm chị đã vững vàng với vị trí bà chủ một doanh nghiệp nhỏ. Đứa con trai biết thương mẹ cũng chịu khó học hành, đỗ cả vào trường chuyên của thành phố.
Chị những tưởng mình sẽ ở vậy cả đời, nhưng số phận lại run rủi cho chị gặp một người đàn ông khác. Tìm hiểu kỹ hơn, chị biết anh ấy chưa lấy vợ bởi vì đã từng ôm ấp mối tình đầu đau khổ quá lâu. Ngoài ra hình thức đến công danh sự nghiệp của anh chả có gì đáng kể nên cũng khó lọt mắt phụ nữ. Thương cái nết chất phác ở anh, nhưng chị cũng biết nếu lấy anh thì mình sẽ phải là trụ cột trong gia đình. Ở tuổi này, lại đã qua một lần gãy đổ, chị luôn nhắc mình phải thận trọng khi tính chuyện lâu dài. Chính vì thế, chị điện thoại hỏi Thanh Tâm một vấn đề mà chị chưa biết “xử” sao cho chuẩn. Đó là, có một vài người bạn khuyên chị nên ký một bản hợp đồng hôn nhân, khẳng định rõ quyền sở hữu với khối tài sản của riêng chị, phòng khi… đường ai nấy đi. Nghĩ đến nỗi oan ức từ cuộc hôn nhân trước, chị thấy điều này thật xác đáng. Nhưng đồng thời chị cũng thấy lấn cấn, lo chồng tương lai cảm thấy bị xúc phạm, ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này.
Thanh Tâm nói rõ cho chị hiểu rằng, trong Luật Hôn nhân gia đình hiện nay chưa có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Vậy nên, đó là câu chuyện của mỗi cá nhân, của từng gia đình. Vấn đề là nhìn nó dưới hệ quy chiếu nào mà thôi. Theo suy nghĩ truyền thống của người Việt thì luôn là “của chồng công vợ”. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề khi đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cũng cho thấy một khi đã cạn tình, con người cũng có thể đối xử với nhau vô cùng tệ bạc. Lúc đó thì chỉ dựa vào các căn cứ pháp lý để phân chia trách nhiệm và quyền lợi mà thôi. Với trường hợp của chị, Thanh Tâm cho rằng lời khuyên của bạn bè là có lý. Bởi trên hết, chị cần phải có một hành động gì đó để làm “an” cho tư tưởng của chính mình. Vấn đề còn lại là hành xử khéo léo mà thôi. Cần rất nhiều sự tế nhị để không làm tổn thương lòng tự ái, dễ dẫn đến nỗi mặc cảm đàn ông, cũng là một ngăn trở rất lớn trong hạnh phúc gia đình.