Hốt bạc trong “cuộc chiến” đầu tư quán cà phê

30/09/2017 - 14:56
Kinh doanh cà phê, đồ uống và đồ ăn nhẹ đang chứng tỏ được sức hấp dẫn và tính hiệu quả. Tuy nhiên, với tính chất cạnh tranh ngày một tăng cao, các nhà đầu tư phải cẩn trọng để tránh bị thua lỗ.
Để kinh doanh cà phê, mặt bằng “đắc địa” được coi là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định thành bại. Tất nhiên, những vị trí đẹp ở những con đường lớn tại các thành phố lớn không phải là nơi dành cho những “nhà đầu tư” nghiệp dư, vì giá thuê rất đắt đỏ, có thể lên tới vài chục hoặc cả trăm triệu đồng/tháng.

french-coffee-metropol.jpg
Để kinh doanh cà phê, mặt bằng “đắc địa” được coi là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định thành bại  (Ảnh minh họa)

Nhưng không phải vì thế mà các vị trí khác ở những con đường nhỏ, hay thậm chí trong các con hẻm không phải là nơi có thể kinh doanh tốt.

Nếu có sự đầu tư đúng hướng, tạo được phong cách ấn tượng - từ hình thức, âm nhạc, phong cách phục vụ, giá cả hợp lý, cho tới chất lượng các sản phẩm, thì bạn vẫn có thể thu hút đông khách hàng.

Mặc dù vậy, vấn đề chi phí đầu tư và thuê nhân viên là điều phải hết sức cân nhắc. Hiện nay, nhiều quán cà phê mới được mở ra, chủ đầu tư rất chăm chút đến phần đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân viên.

caphe.JPG
Bạn không nên bị cuốn vào “cuộc đua” về mức độ “chịu chi”, mà hãy quan tâm hơn tới những giá trị thực chất và cụ thể, có thể nhận thấy rõ ngay trước mắt  (Ảnh minh họa)

Có vẻ như đang có một “cuộc đua” trong việc này. Nhưng mức độ thành công lại không hoàn toàn phụ thuộc vào đó. Có không ít quán được đầu tư công phu, với tổng chi phí lên tới xấp xỉ cả tỷ đồng cho 1 quán có diện tích chỉ khoảng 100m2, vậy mà vẫn ế ẩm. 

Trong khi một số quán chỉ đầu tư 100-200 triệu đồng, chi phí thường xuyên (thuê quản lý, trả lương nhân viên, điện nước và các dịch vụ phụ trợ khác…) khoảng 15-20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có những thành công nhất định - trước hết là có đông khách và lượng khách luôn ổn định.

Bạn không nên bị cuốn vào “cuộc đua” về mức độ “chịu chi”, mà hãy quan tâm hơn tới những giá trị thực chất và cụ thể, có thể nhận thấy rõ ngay trước mắt. Bởi nếu chạy đua về đầu tư thì chắc chắn bạn sẽ không thể cạnh tranh nổi với các thương hiệu lớn đã khẳng định được tên tuổi, cả trong lẫn ngoài nước.

trang-tri-quan-caphe-bang-tranh-tuong.jpg

Theo một số chuyên gia đầu tư có kinh nghiệm thì tùy theo tham vọng, mỗi cửa hàng cà phê được mở ra phải giải quyết những thách thức khác khau. Nếu như muốn trở thành một thành viên trong một chuỗi nhượng quyền thì chi phí đầu tư có thể thấp hơn - một số chuỗi có suất đầu tư chỉ tương đương với dạng cà phê gia đình, nhỏ lẻ, truyền thống. 

Tuy nhiên, các điều kiện để tham gia chuỗi nhượng quyền không hề đơn giản và tỉ suất lợi nhuận không chỉ phụ thuộc vào danh tiếng của thương hiệu nhượng quyền, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào khả năng tổ chức và cả “cái duyên” kinh doanh của từng chủ quán.

“Hiện tiền mặt bằng trong lĩnh vực cà phê chiếm đến 20% chi phí hàng tháng. Tiếp sau đó là chi phí lương cho nhân viên. Với các cửa hàng cà phê quy mô trung bình, chi phí vận hành như điện, nước, sửa chữa, bảo trì hàng tháng dao động từ 30 đến 40 triệu đồng”, một chuyên gia đầu tư cho biết.

tay-hom-38.jpg
Nếu xây dựng được chiến lược đầu tư và cạnh tranh hợp lý thì một quán cà phê với khoản đầu tư không quá lớn vẫn có thể cho nguồn thu nhập đủ nuôi sống một gia đình.

Đặc biệt, với các quán cà phê gia đình và truyền thống, vốn đang chiếm hơn 90% số lượng cửa hàng tại Việt Nam, thách thức chính không nằm ở mặt bằng mà là sự chuyển đổi sở thích của khách hàng. Khách hàng trẻ thích vào các hệ thống cà phê theo chuỗi với không khí hiện đại, có thẻ thành viên và nhiều chương trình ưu đãi. 

Chúng mọc lên và rơi rụng liên tục mà khó ai thống kê. Còn với cà phê gia đình, truyền thống thì “điểm cộng” chính là sự ổn định, đến từ lượng khách hàng trung thành.

Cần phải cố gắng phát huy những lợi thế của mô hình này, đồng thời khắc phục được điểm yếu là ít vận dụng công nghệ trong quản lý bán hàng khiến tỉ lệ thất thoát từ 7 đến 12% doanh thu mỗi tháng.

Thị trường quán cà phê được dự báo là tiếp tục “nóng”. Nếu xây dựng được chiến lược đầu tư và cạnh tranh hợp lý thì một quán cà phê với khoản đầu tư không quá lớn vẫn có thể cho nguồn thu nhập đủ nuôi sống một gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm