Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm: Cho nhau chút tình đủ níu vào nhau

27/04/2017 - 09:45
Cách Nguyễn Hữu Khiêm đối đãi với bạn bè chân tình tới mức, dường như anh có thể thiếu trăm ngàn thứ trên đời, chỉ có bạn là không thể vắng nổi. Đời này, chỉ cần cho nhau chút tình, đôi khi cũng đủ níu vào nhau những ân nghĩa không dễ xóa mờ.
1. Tôi biết kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm trong 1 cuộc gặp tại quán của cố nhà thơ Trần Từ Duy ở TPHCM. Khi ấy, anh Duy chưa phát hiện ra trọng bệnh, vẫn ngày ngày khui chai rượu sang chảnh, đúng theo cách mà anh vẫn tôn thờ: sự duy mỹ đến với từng tiểu tiết trong cuộc sống.

Cuộc gặp quá ấn tượng, bởi khi ấy Nguyễn Hữu Khiêm chạy sấp ngửa từ sân bay ra, nơi anh có công việc làm quản lý tại 1 công ty trong ngành hàng không, và cười tít mắt xin lỗi bạn bè bằng ly rượu phạt. Khiêm không uống được nhiều. Anh chỉ đưa ít chất cồn vô người một xíu, là bắt đầu liêng biêng, lưng tưng, đứng lên đọc thơ và hát. Cách thể hiện của Nguyễn Hữu Khiêm hồn nhiên như đứa trẻ nít. Lạ và độc. Bất cứ ai ở đó vào thời khắc ấy đều ôm bụng lăn ra cười. Mà Khiêm hoặc không cần để ý, hoặc để ý mà không thể khác được. Anh chính là người sống với tất cả sự chân thật và bản năng của mình. Cần gì phải giống như bao người!
1nv_anh-nho.JPG
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm
Sau này, cứ mỗi cuộc gặp mặt nhỏ nhỏ bên ly rượu của nhóm anh em viết lách Sài Gòn, là đều thấy Nguyễn Hữu Khiêm góp mặt. Anh ngồi kể đủ thứ chuyện trên đời với chất giọng khề khà đặc trưng rặt Long An, và khi đã đủ độ hứng lên, thì phác họa chân dung bạn bè. Những bức vẽ không quá chau chuốt, nhưng chỉ bằng vài nét mực thôi, là đã ra được nhân vật. Khiêm nói, thời xưa mê vẽ ghê lắm mà không có tiền để mua màu và giấy vẽ.
nha-van-nguyen-dong-thuc.JPG
Nhà văn Nguyễn Đông Thức qua nét vẽ của Nguyễn Hữu Khiêm
Lứa tuổi mà sự khát vọng và ước mơ tràn ngập, thì vẫn chưa thể quay trở về sự đơn sơ và giản dị được. Giống như khi người ta đã có dư dả của ngon vật lạ trong bữa ăn hàng ngày rồi, thì lại chỉ muốn quay trở về với rau luộc chấm kho quẹt. Chứ thời đang đói cồn cào, thì chỉ mơ tới cơm trắng nóng hổi vài chén ăn cùng thịt, cùng trứng ngập lên mới đã! Vì vậy, lúc mê vẽ điên cuồng lại đành phải bỏ ngang. Có ai đang yêu say đắm mà người yêu tự nhiên im lặng ra đi, lại không thất tình?! Bởi thế, mới hiểu được những “diễn biến tâm lý” của Khiêm.
hoa-si-pham-cung.JPG
Họa sĩ Phạm Cung
Sau vài bức về Tĩnh vật sen, Phấn tiên với chất liệu chì màu và bút sáp trên giấy dó, bán được 500 USD cho khách sưu tầm tranh, Nguyễn Hữu Khiêm tập trung vào công việc làm ăn kinh doanh. Tới khi đã no đủ áo cơm, anh quay trở lại với thơ và những bức vẽ ký họa giản đơn. Thơ thì không cần đăng ở đâu cả, mà luôn lóe lên những câu từ đáng nhớ.

Sau này, khi nhà thơ Trần Từ Duy đã mất, Nguyễn Hữu Khiêm nhiều lần khóc nhớ bạn: “Chiều qua lại nhớ tới ông/ Rung rinh một chút phiêu bồng nhân gian/ Ông đi một chuyến ngút ngàn/ Bỏ thơ, bỏ rượu, bỏ đàn gái hư…”.
hoa-si-nguyen-chi-long.JPG
Họa sĩ Nguyễn Chí Long
2. Cuộc đời của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm có rất nhiều khoảng lặng từ những ngày ấu thơ. Chính xác là anh mang trong mình rất nhiều tổn thương của đứa trẻ không có cha. Năm nẳm rồi, khi nhà ông bà ngoại ở Tân An, Long An, làm hầm để xứ ủy Nam kỳ họp chuyện kín, thì bị bố ráp. Cả gia đình ngoại đã bị sống trong sự nghi ngờ chỉ điểm. Cô con gái trẻ trong gia đình đã tới gặp 1 người có trách nhiệm cao hơn, sau đó được bảo lãnh chuyển tới địa điểm khác sinh sống. Sự mang ơn ấy đã tạo hình ra cậu bé Nguyễn Hữu Khiêm.
nha-bao-ha-dinh-nguyen.JPG
Nhà báo Hà Đình Nguyên
Suốt những năm tháng tuổi thơ, Khiêm ở cùng ông bà ngoại. Anh kể ngày nhỏ sợ ma dữ ghê hồn. Trẻ con không cha nên sợ nhiều thứ lắm. Có lần thì nỗi sợ của Khiêm đã được cải thiện. Bữa ấy là trận mưa đầu mùa, Khiêm theo 2 cậu đi soi ếch. Cứ bì bõm giữa cánh đồng ngập nước đến nửa khuya, vai mang nặng bao ếch trồi lên hụp xuống, té lên té xuống trong lúc cơn buồn ngủ ập tới. Vừa nhìn thấy căn chòi lá trên gò đất hiện ra, cậu Năm nói: “Thôi Khiêm vô đây ngủ đi, cậu với cậu Út còn đi vòng nữa, quay lại rồi đi về”. Sớm mai mặt trời rọi vô mặt, Khiêm mới tỉnh giấc. Trời đất ơi, xung quanh toàn mồ mả không hà. Hóa ra cả đêm đã ngủ giữa nghĩa địa Bình Nam, lớn nhất ở Tân An. Bắt đầu từ ngày ấy, cậu bé Khiêm lớn lên, trưởng thành dần không còn nỗi sợ ma nữa. “Bước chân vào đời rồi, thì điều sợ vẫn vẫn là lòng người, chứ không phải là ma quỷ”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm chia sẻ.

Theo học chuyên Toán từ những ngày còn nhỏ, nhưng tới những năm học THPT, Nguyễn Hữu Khiêm lại trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi Văn. Cái “bôn chất, buôn lăm” như từ anh thường dùng - quả thật tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm, nhưng chắc chắn là cảm được - đã theo suốt cuộc đời người kiến trúc sư này. Để sau này, dù đã thành tài trong sự nghiệp nhưng anh vẫn dành rất nhiều thời gian cho bạn bè tâm hữu xung quanh mình bằng sự đối đãi vô cùng tử tế.

3. Nếu nói Nguyễn Hữu Khiêm mê bạn bè thì chưa đúng, mà phải nói rằng anh "nghiện" bạn. Bạn nào cần công việc gì đó, có thể chưa nói ra lời nhờ vả, là anh đã giúp hết sức trong khả năng của mình.

Có những việc, thấy anh điện thoại tới lui cả vài chục cuộc, để hoàn thành những thứ “hầm bà lằng” không phải của mình. Để rồi sau đó, lại thấy Nguyễn Hữu Khiêm uống vài ba ly, liêng biêng, lưng tưng, đứng lên mắt nhắm nghiền đọc thơ và hát. Sự tử tế và niềm vui trên đời này, đôi khi chỉ gói gọn trong vài ba nét vẽ hay câu chữ, nhưng cũng đủ ấm lòng. Ai biết được ngày mai ra sao!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm