Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9: Chấp nhận mang tiếng “vợ bé” để tạo vỏ bọc cho chồng hoạt động Cách mạng

Bài, ảnh: Phạm Thương
02/09/2022 - 07:01
Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9: Chấp nhận mang tiếng “vợ bé” để tạo vỏ bọc cho chồng hoạt động Cách mạng

Bà Đặng Thị Thiệp (thứ 3 từ phải sang) cùng các khách mời tham gia chương trình giao lưu “Sống tiếp ước mơ” lần 2

Tại chương trình giao lưu “Sống tiếp ước mơ” lần 2 (lần 1 tổ chức năm 2017) do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vừa tổ chức, nhiều người tham dự không khỏi xúc động trước câu chuyện của bà Đặng Thị Thiệp, vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, người chấp nhận mang tiếng “vợ bé” để tạo vỏ bọc cho chồng hoạt động Cách mạng.

Bà Đặng Thị Thiệp cho biết, bà tên thật là Đặng Thị Tuyết Mai, sinh năm 1944. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 11 tuổi, bà được đưa lên Đà Lạt vừa học nghề vừa học văn hóa, ít lâu sau được đưa về chiến khu. Ở đó, bà gặp ông Trần Văn Lai, lúc đó ông là chiến sĩ biệt động. Năm 1965, bà theo ông Lai về thành phố Sài Gòn. Theo yêu cầu của tổ chức, ông Lai phải mua căn nhà để thuận tiện cho việc đào hầm chứa vũ khí chuẩn bị cho trận đánh lớn. Ông Lai hoạt động dưới vỏ bọc là Mai Hồng Quế, bí danh Năm USOM, một nhà thầu khoán giàu có, đảm nhiệm việc làm nội thất cho Dinh Độc Lập.

"Lúc mới quen, tôi hay gọi anh Lai là chú vì anh hơn tôi hơn 20 tuổi. Tôi hay leo lên xe và nhờ mua giúp cái này, mua giúp cái kia. Anh từng có một đời vợ nhưng không có con. Vợ trước của anh cũng hoạt động Cách mạng và đã hy sinh trước khi anh cưới tôi. Khi về thành phố theo yêu cầu của tổ chức, anh Lai chở tôi đi xem nhiều nhà. Tại căn nhà nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), anh nói với chủ nhà là mua cho "vợ bé". Ban đầu chúng tôi mua căn ở giữa, sau đó hai nhà bên cạnh cũng ngỏ ý bán vậy nên chúng tôi mua hết. Tôi tính toán, nếu mình đào hầm có động chạm gì các căn bên thì cũng là nhà mình, không ai thưa kiện, không bị bại lộ. Quá trình đào hầm diễn ra suốt mấy năm trời mới xong", bà Thiệp kể.

Năm 1966, ông bà được tổ chức chấp nhận cho đăng ký kết hôn. Hai đứa con của bà lần lượt ra đời nhưng để tiếp tục đóng vai "vợ bé", trong giấy khai sinh của con để trống phần tên cha. Con trai của bà Đặng Thị Thiệp, anh Trần Vũ Bình, chia sẻ thêm: "Nỗi ám ảnh tuổi bé thơ của anh em tôi là bị nhốt trong nhà, không được tiếp cận hàng xóm, không biết bên ngoài người ta sống như thế nào... Khi đi học thì bị chúng bạn nói tụi tôi là "con hoang" bởi vì giấy khai sinh của tôi để cha là vô danh. Người ta nói mẹ tôi là người giật chồng người khác".

Khi chiến dịch Mậu Thân 1968 diễn ra, "vỏ bọc" của chồng bà bị địch phát hiện. Địch phát lệnh truy nã ông Trần Văn Lai và treo thưởng 2 triệu USD. Địch tịch thu tài sản, truy nã và dán hình của ông Lai khắp nơi. Suốt 7 năm trời, ông không dám ra ngoài và trốn trong hầm, chỉ khi có nhiệm vụ cấp bách mới ra khỏi hầm. Những năm tháng sau đó, bà phải kiếm tiền nuôi chồng con. "Lúc trước, nhà tôi đóng cửa suốt, đâu cho ai vô nhà. Ai có hỏi thì bảo mình làm vợ bé nên ổng ở với bà lớn. Tôi chịu đựng lời gièm pha của bà con lối xóm nhiều năm như vậy. Người ta cứ nói tôi giành chồng người khác. Ngày giải phóng, tôi mở to cửa và ra đường nói tôi không phải làm "vợ bé", chồng tôi hoạt động Cách mạng, bà con đừng kêu tôi là vợ bé, tội nghiệp cho tôi", bà Thiệp xúc động nhớ lại.

Hiện nay, căn nhà cũ của vợ chồng bà ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM, nơi có căn hầm bí mật cất giấu 2 tấn vũ khí của lực lượng biệt động Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đã được bà Thiệp và các con phục dựng với mục đích để các thế hệ sau biết về một thời kỳ các chiến sỹ biệt động đã sống, chiến đấu như thế nào. Đây trở thành một điểm tham quan, tìm hiểu về lịch sử được nhiều đoàn du khách tới thăm.

Ngày 26/8/2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật nhằm thực hiện chuyên đề trưng bày "Những đoá hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19" vào tháng 10/2022 và chương trình giao lưu, gặp mặt chủ đề "Sống tiếp ước mơ" lần 2, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Chương trình giao lưu, gặp gỡ thân nhân của Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, với mong muốn bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Lai (1920- 2002, quê Thái Bình) là người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, bí danh Năm USOM - thầu khoán Dinh Độc Lập. Ngay giữa lòng địch, ông đã tự tay đào hầm bí mật và vận chuyển hàng tấn vũ khí xuống hầm an toàn phục vụ cho cách mạng, đặc biệt là cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm