Muốn thoát khoản nợ khó trả, chồng cấp tập với dự định đi lao động xuất khẩu

Thanh Tâm
05/08/2021 - 22:54
Muốn thoát khoản nợ khó trả, chồng cấp tập với dự định đi lao động xuất khẩu

Ảnh minh họa

Chưa có kế hoạch thực thi, chưa một chút tính toán nhưng chồng cô đã nhất quyết đi xuất khẩu lao động để trả nợ. Còn cô, chưa biết một mình phải xoay xở ra sao để nuôi dạy 2 con, ít nhất là 5 năm tới.

Cô gái viết bức thư gửi Thanh Tâm chia sẻ về chuyện gia đình, về những dự định khiến vợ chồng cô chưa biết nên làm như thế nào.

Trước đây, có một thời gian vợ chồng cô rất trăn trở về con đường phía trước, cảm thấy chông chênh. Mỗi khi thấy chồng mệt mỏi, đi làm về cả hai không thiết nói chuyện với nhau, cô lại băn khoăn nghĩ cách thay đổi cuộc sống. Nhưng mọi việc không đơn giản như những gì mình mong muốn. Những ai giỏi cũng đã khởi nghiệp hết rồi, cái gì bán có lãi, họ cũng đã bán rồi, không đến lượt mình... Đã vậy, thời kì dịch bệnh khó khăn, nên câu chuyện thay đổi thế nào tạm lắng xuống.

Hôm trước, chồng của cô nói chuyện với bạn đang du học bên Hàn Quốc. Nghe bạn nói, chồng cô chợt nảy ra một kế hoạch mới. Vợ chồng cô làm công nhân cho 1 nhà máy sản xuất thiết bị y tế. Công việc không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, họ vẫn có công việc và được đi làm. Vì làm cùng công ty nên công việc như thế nào họ rất hiểu. Thường thì một ngày tính cả làm thêm là hơn 10 tiếng, chia ra ca ngày và ca đêm. Dù là phụ nữ hay đàn ông thì công việc cũng như nhau. 2 con phải nhờ bà hàng xóm trông giúp, nhiều khi bố mẹ về muộn quá, con ngủ luôn bên ấy. Chồng cô rất lo lắng về việc dạy dỗ con sau này vì bố mẹ hai bên đều không hỗ trợ được.

Vợ chồng cô có vay mượn, mua được 1 căn chung cư mấy năm nay. Nợ còn chưa trả hết thì gần đây, trong gia đình lại xảy ra khá nhiều chuyện cần đến tài chính như bố mẹ ốm, anh chị em ruột phải đi viện... nên họ không những không tích lũy được đồng nào trả nợ mà còn phải đi vay bạn bè để chi tiêu. Điều này khiến họ căng thẳng. Chỉ có thay đổi công việc, mới có tương lai khác, còn nếu không, việc học hành của con cái, chuyện "cơm áo gạo tiền" vẫn sẽ khiến họ đau đầu.

Bạn của chồng cô trước cũng là công nhân, đã khá lớn tuổi nhưng vẫn quyết định sang Hàn Quốc học tiếng và học nghề. Anh ấy tìm hiểu và đăng ký học tiếng Hàn 2 năm, kế hoạch sang đấy học nghề sửa chữa ô tô và xin visa để đón vợ con sang cùng. Nếu mọi thứ thuận lợi, lương bên đó khá ổn, có thể giúp anh ấy thay đổi cuộc sống. Chồng cô được chia sẻ rất nhiều và sau hôm đó có vẻ ấp ủ hi vọng.

Tại sao lại là du học Hàn Quốc? Tại sao lại học nghề tại Hàn Quốc? Cô kể rằng, chẳng là trước khi lấy vợ, chồng cô có đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc và biết chút ngoại ngữ. Cô nghĩ, với vốn kinh nghiệm đã có, cùng với việc tự tin về giao tiếp cơ bản bằng tiếng Hàn, chồng cô suy nghĩ nghiêm túc việc học nghề và làm việc tại Hàn Quốc.

Dù muốn thay đổi cuộc sống nhưng chưa khi nào cô nghĩ sẽ để chồng đi xa tới 5 năm. Cô cũng chưa từng nghĩ tới việc sau này sẽ đưa các con sang Hàn Quốc. Bố mẹ ngày càng già yếu, con cái đi học đang ổn định cũng không muốn thay đổi. Cô băn khoăn không biết có nên để chồng đi. Chồng cô có vẻ quyết tâm và nghĩ rằng đó là cách giúp vợ con thoát khổ, nên mấy hôm nay lôi hết giáo trình dạy tiếng Hàn và sách vở ra ôn lại. Mỗi lần thấy chồng như vậy, cô lại đắn đo chưa dám nói lên suy nghĩ của mình.

Thanh Tâm thấy vợ chồng họ khá mạo hiểm khi chưa bàn bạc, suy tính cặn kẽ mọi việc cho quyết định này. Nếu chồng cô đăng ký đi học nghề ở nước ngoài có thể gặp phải những khó khăn nào? Học phí là bao nhiêu? Sau khi học nghề xong có đảm bảo xin được việc, thu nhập là bao nhiêu? Có thể đi làm thêm được mấy năm? Nhà đã mua chưa trả hết nợ, hai vợ chồng dự kiến dòng tiền như thế nào để giải quyết tất cả các khoản? Với hoàn cảnh tài chính không dư dả, một mình cô ở nhà, đi làm nuôi 2 con ăn học trong 5 năm có ổn không? Khi bố mẹ 2 bên không may gặp vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng sẽ giải quyết thế nào?...

Đặc biệt, việc đi hay ở trong giai đoạn dịch bệnh này rất khó khăn, hai vợ chồng phải cùng nhau suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra quyết định. Đối với nhiều gia đình, giữ được việc làm ổn định hiện tại đã là niềm mơ ước. Còn việc chăm sóc các con, hai vợ chồng có thể đăng ký làm ca lệch nhau, đăng ký ngày nghỉ trong tuần trùng nhau. Nếu gửi con nhà hàng xóm, hai vợ chồng cô cần phải tìm gia đình phù hợp để tránh những vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm