Người phụ nữ đồng tính là thủ lĩnh phong trào nữ quyền

17/05/2016 - 18:00
Là một trong những thủ lĩnh của phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ, ít ai biết Jane Addams là một người đồng tính. Bà cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1931.

Jane Addams sinh ngày 6/9/1860 ở Cedarville, Illinois, Hoa Kỳ trong một gia đình có 9 người con, bà là con thứ 8. Năm Jane lên 2 thì mẹ bà qua đời, 5 năm sau cha bà kết hôn với một phụ nữ khác. Cha của Jane Addams là một thương nhân giàu có, một nghị viện trong bang và là người theo chủ nghĩa xóa bỏ nô quyền. Những người xung quanh đánh giá rất cao về ông vì ông là người thẳng thắn, thành thật, khẳng khái, giản dị, công tư phân minh và luôn coi trọng trách nhiệm công dân. Từ nhỏ, Jane đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người cha của mình.

jane.jpg
Jane Addams - thủ lĩnh phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ nghèo.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà cùng các chị em vào học tại trường nữ sinh Rockford College. Thành tích học tập của bà rất xuất sắc, bà lên kế hoạch học tập cho mình theo chuẩn của Đại học Bellot dành cho nam sinh ngay sát bên. Vì muốn được cùng sống và làm việc với những người nghèo khổ, Jane được cha ủng hộ và bắt đầu theo học ngành y. Năm 1881, sau khi Jane Addams tốt nghiệp trường Rockford không lâu thì cha bà qua đời. Bà từng thổ lộ cái chết của cha là nỗi đau khổ lớn nhất mà bà phải chịu đựng. Bà cảm thấy mọi thứ mờ mịt và mất đi tinh thần nhưng vẫn kiên trì kế hoạch để vào học bằng được tại viện y học ở trường nữ sinh Philadelphia. Tuy nhiên sau đó không lâu, bà nhận thấy y học không phải là sự lựa chọn đúng đắn của mình.

Do luôn cảm thấy mệt mỏi và phần lưng thường đau nhức, bà quyết định nghỉ học và vào bệnh viện làm phẫu thuật. Năm 1883, sau một khoảng thời gian dài đợi sức khỏe bình phục, bà quyết định ra nước ngoài du lịch.

Sang châu Âu, chứng kiến cảnh đói khổ ở phía đông Luân Đôn đã khiến Addams nung nấu quyết tâm giúp đỡ người nghèo. Năm 1887, trong chuyến du lịch thứ 2 đến châu Âu, bà tham gia vào một cơ sở tình thương do Anord thành lập. Bà có một ấn tượng sâu sắc với cách viện trợ cho người nghèo ở nước Anh. Họ không làm giống như những cơ sở từ thiện truyền thống là chỉ cử người mang đồ viện trợ đến nhà những người nghèo mà họ kêu gọi những người tình nguyện đến sống với người nghèo. Addams đã áp dụng cách này để bắt tay lập kế hoạch thành lập một cơ sở tình thương ở Mỹ.

Năm 1889, bà chính thức thành lập một cơ sở dành cho người nghèo có tên gọi là Hull House tại thành phố Chicago. Ngay sau đó đã có 20 tình nguyện viên vào Hull House tham gia công việc thường trực còn những người ủng hộ khác đến làm việc theo lịch. Các dịch vụ mà Addams thực hiện có ý nghĩa to lớn đối với những quyền lợi của phụ nữ và trẻ em nghèo. Hull House có trường mẫu giáo, trường nhạc… ngoài ra, họ còn mời các chuyên gia đến dạy nấu ăn, may vá, trang điểm cho chị em. Như những gì mà James, cháu trai của bà đã viết: “Rất rõ ràng, nếu đến đó, bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt… Nếu bạn cho những thanh niên nữ trẻ tuổi kia biết họ có thể làm gì cho bạn, nhất định họ sẽ làm hết sức mình”.

mh1.jpg
 Bà là người sáng lập ra Hull House - một cơ sở hỗ trợ và giúp đỡ cho những người nghèo.

Những cố gắng cho công cuộc cải cách xã hội của Jane không chỉ dừng lại ở những hoạt động trong Hull House. Năm 1891, bà thành lập nên câu lạc bộ Jane tập hợp những phụ nữ mất nhà, mất việc vì tham gia bãi công để giúp đỡ họ. Bà nhạy bén quan sát nỗi khó khăn mà người dân da đen ở Chicago phải gánh chịu, từ đó bà thành lập nên sở cứu tế Wendell Philips cung cấp những dịch vụ tập thể cho người da đen nghèo khổ sống quanh đó. Bà tham gia hội nghị Hiệp hội phụ nữ da màu toàn quốc, công khai phản đối sự bất bình đẳng của xã hội đối với người da màu nói chung, phụ nữ da màu nói riêng thông qua nhiều cuộc hội thảo trên toàn quốc. Năm 1909, Hiệp hội người da màu nước Mỹ được thành lâp, Jane Addams là một thành viên trong hội đồng quản trị.

Trong cuộc đời hoạt động vì xã hội và những quyền lợi của phụ nữ, bà còn là người đồng sáng lập Liên minh Tự do Dân sự Mỹ và Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do; đảm nhận chức chủ tịch của Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế vì Hòa bình và Tự do, Đảng Hòa bình của Phụ nữ Mỹ. Bà là người đại diện cho phụ nữ tham dự Hội nghị Hoà bình của nữ giới ở La Haye (1915).

Năm 1931, bà đã trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình cho những hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế dự phòng và những nỗ lực trong việc cải thiện tình trạng lao động và giáo dục trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm