Nhà thơ Nguyễn Bảo Giang: Lang thang trả nợ thơ tình

30/04/2017 - 09:08
Nguyễn Bảo Giang mang niềm đam mê viết thơ tình lục bát đi theo trong tất cả các chuyến xê dịch khắp thế giới. Sự duy mỹ hiện diện từng phút giây đáng sống, như vẻ đẹp tuyệt hảo của những người phụ nữ trên từng bước đường đã qua…
1. Nguyễn Bảo Giang là Thạc sĩ Luật nhưng mang tâm hồn quá lãng mạn của người nghệ sĩ. Anh tiêu xài quỹ thời gian của mình chủ yếu vào các chuyến đi. Đi và viết, mà lại chỉ viết thơ tình. 63 tỉnh/thành trong nước với những con đường thuộc nằm lòng, 50 quốc gia trên thế giới, đủ 4 châu lục đã được Giang trải nghiệm. Và tất nhiên là chưa dừng lại.
2vn-phai.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bảo Giang chia sẻ: "Khi xê dịch, tôi tận hưởng cảm giác cô độc nhưng hạnh phúc. Nhỏ bé nhưng tự tin. Thấy rõ mình là phần nhỏ của thế giới và hành tinh này"
Trong giới viết lách, ít có người dám đi, có điều kiện đi và dám sống một cách tận hiến như Nguyễn Bảo Giang. Anh từng chứng kiến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, những thời khắc động đất ở Nepal, bay trên khinh khí cầu ở Cappadocia và leo lên đỉnh núi tuyết Andes. “Khi xê dịch, tôi tận hưởng cảm giác cô độc nhưng hạnh phúc. Nhỏ bé nhưng tự tin. Thấy rõ mình là phần nhỏ của thế giới và hành tinh này”, Nguyễn Bảo Giang chia sẻ.

Càng đi, càng trải nghiệm, càng thêm vốn sống và bồi đắp cảm xúc. Trong quan sát đầy mê đắm của người đàn ông ham chơi, ham viết thơ tình, thế giới hầu hết là người tốt và phụ nữ ở đâu cũng đẹp. Tình yêu con người đều được bắt nguồn và nuôi dưỡng như là những dòng chảy của rất nhiều dòng sông và biển cả mà Nguyễn Bảo Giang đã đi qua và đặt chân tới. Sông Danube, sông Hằng, sông Trường Giang. Biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, biển Baltic, biển Aegean, biển Caribbean…
3nv-to-phai.jpg
Một số tập thơ của Nguyễn Bảo Giang
Trong cảm xúc của người đàn ông mê xê dịch, biển luôn rộng lớn, bao dung và sâu thẳm như những người phụ nữ trong tình yêu. Như sóng cứ miệt mài vỗ bờ không toan tính. Bởi vậy, mà đứng trước các dòng sông và biển cả cách xa quê hương ngàn trùng, Nguyễn Bảo Giang đã viết: “Thả em vào tối xa chồng/Tôi ngồi đợi phía bờ sông nước đầy”.

Và trên các chuyến bay nối tiếp nhau chẳng mấy khi ngừng nghỉ, đến mức các nhân viên hàng không đều quen mặt biết tên, Nguyễn Bảo Giang không quên ngồi sáng tác: “Nhà tôi dưới đó em không đến/Lại trách trên này mây trắng bay”. Đôi khi, mải miết trên các chặng đường, sự cô độc cũng ập tới. Và anh chàng đào hoa, tài hoa này cũng vẫn phải thốt lên: “Tiễn em lần cuối rồi đi/Đường về hun hút là khi tiễn mình”.

2. Bữa rồi tôi ra Đà Nẵng, gặp Nguyễn Bảo Giang từ Hà Nội bay vô. Gia đình ở Hà Nội nhưng từ thứ 2 tới thứ 6 là Giang thường có mặt tại Đà Nẵng, Hội An hoặc Đà Lạt. Cả 3 địa danh đáng sống nhất Việt Nam này, Nguyễn Bảo Giang đều xây nhà vườn để chiều tối ngồi nhẩn nha viết thơ tình. Khu vườn tràn ngập cỏ và hoa. Có ai mà dám chơi đến tận cùng, như Giang!

“Tôi tự tay trồng hoa trong các khu vườn của mình. Đêm đêm ra chong đèn ngồi viết, xung quanh toàn hoa, cảm giác tuyệt đến mức khó có thể thăng hoa hơn được nữa”, Nguyễn Bảo Giang kể. Gắn với những khu vườn này, là lục bát thơ tình: “Tôi về lấy gió làm nhà/Trăng rơi làm chiếu, vệt hoa làm mền/Hình em là giấc mơ đêm/Tôi ru tôi với muộn phiền chính tôi”.

Có lần, tại Hà Nội, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi nghe được câu lục bát của Nguyễn Bảo Giang: “Kéo co nỗi nhớ mệt nhoài/Ta nghe rõ tiếng thở dài trong nhau” thì đã thốt lên lời nhận xét: “Hồn gọi ra chữ, chữ nằm trong tim”.
1nv_to-trai.JPG
Nguyễn Bảo Giang leo lên đỉnh núi tuyết Andes
Cứ bay đi, bay lại miết các ngày trong tuần, và sống theo cách duy mỹ tận hiến tới từng tiểu tiết, Nguyễn Bảo Giang đã trân trọng cuộc đời theo cách rất riêng của mình. Điều mà tôi rất quý ở Giang, là cách mà anh truyền cảm hứng tích cực với bạn bè quanh mình. Đi, không chỉ là những bước chân cơ học. Đi để sống, để cảm nhận bao điều tốt lành và tử tế trên cõi đời này. Và để biết thế giới bao la nhưng vẫn còn hữu hạn.

Trong 1 cuộc gặp gỡ tại quán bia vỉa hè ở Đà Nẵng, Nguyễn Bảo Giang hứng chí kể câu chuyện khi anh tới lăng mộ tình yêu Taj Mahal. “Đặt chân tới chốn này, tôi choáng váng khi cảm nhận được tình yêu của đàn ông dành cho đàn bà vĩ đại quá. Đó là lý do vì sao phải viết thơ tình. “Anh biết có ngày mình sẽ cách chia/Vì anh hiểu chân trời nào cũng là bờ bến đợi/Con sóng ầm ào chẳng nhận mình có lỗi/Chỉ tại cát mềm không lưu dấu chân thôi”.

Khi ở biển Caribbean, thì vài câu lục bát đã khiến cho cuộc đời phong trần gió bụi của người đàn ông cũng mềm mại hẳn: “Nắng hoài vọng gió thiên di/Cát thì phận mỏng mây thì phận xa/Tôi về bên biển thật thà/Đếm bao nhiêu sóng tin là thế thôi”.

3. Tất nhiên, với Nguyễn Bảo Giang, cuộc sống không chỉ có các chuyến bay nối tiếp, các căn nhà vườn đầy hoa ở Đà Nẵng, Hội An và Đà Lạt, hay những tối ngồi trong vườn viết thơ tình. Dù cho nhà thơ này thực sự là dân sáng tác chuyên nghiệp. Nguyễn Bảo Giang là 1 trong 10 nhà thơ trẻ đọc thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam, phát hành 2 tập thơ tình “Mùa yêu như thể mùa quên” và “Nỗi nhớ không may tìm đến” đều bán rất chạy và đã được tái bản.

Giang, vẫn là thế, như từ những ngày còn là sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội, luôn bận rộn với các ý tưởng kinh doanh, điều hành công việc không đắn đo về thời gian, không gian và các cách trở địa lý. Hơn nữa, người đàn ông này rất biết cách để tăng thêm niềm vui của bản thân và những người xung quanh. Trong những lần gặp gỡ, thật thú vị khi ngồi nghe Nguyễn Bảo Giang đọc thơ tình, với thế mạnh là thơ tình lục bát.

Trên trang cá nhân của người đàn ông đặc biệt này, các cô gái từ mê thơ chuyển qua mê người, là chuyện quá đỗi bình thường. Để đi tới trái tim phụ nữ, ngôn ngữ thơ ca quả thật là có sức mạnh khủng khiếp!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm