Nhiều hình thức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ

Thu Anh
09/05/2024 - 18:59
Nhiều hình thức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ

Ảnh minh họa

Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhiều trường đã đặt ra lộ trình ôn tập cho học sinh, với sự hỗ trợ của nhiều hình thức như khảo sát, thi thử, phân loại ôn tập…

Bám sát đề thi tham khảo

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố 15 đề thi tham khảo các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là bộ đề thi được giáo viên, học sinh rất mong chờ vì sẽ giúp định hình rõ ràng hơn cấu trúc đề từng môn, từ đó kịp thời có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt với yêu cầu của kỳ thi.

Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) Dương Hai Bảy Mươi cho biết, từ cấu trúc đề tham khảo vừa ban hành, nhà trường yêu cầu tổ bộ môn xây dựng đề kiểm tra, câu hỏi đánh giá thường xuyên phù hợp, trong đó, đặc biệt chú ý đến yêu cầu rèn kỹ năng vận dụng kiến thức cho học sinh. Nhà trường cũng tăng cường thông tin đến phụ huynh để gia đình cùng phối hợp trong quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập.

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới, trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về nội dung, đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. 

Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác. Về dạng thức câu hỏi: môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.

Hàng loạt biện pháp nâng cao chất lượng ôn tập

Để giúp học sinh làm quen với kỳ thi sắp tới, nhiều địa phương đã triển khai kế hoạch thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Tại Hà Nội, với số lượng thí sinh đông nhất cả nước, theo kế hoạch, ngày 5 và 6/4, khoảng 102.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố sẽ tham dự kỳ khảo sát chất lượng với các môn thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù kết quả kỳ khảo sát không được sử dụng để đánh giá, đưa vào sổ điểm nhưng đây là cơ hội để học sinh tập dượt trước kỳ thi thật.

Không chỉ giúp học sinh tập dượt, làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, với mục tiêu nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Nội cao hơn năm trước, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố đã họp bàn để đưa ra những giải pháp nâng chất lượng dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12.

Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội) Trần Thị Hải Châu đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội tập hợp giáo viên cốt cán của các trường để xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Căn cứ ngân hàng đề này và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, nhà trường cũng mong Sở cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.

Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Giang (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Văn Thành cho biết, năm 2023, điểm đầu vào của trường thấp thứ 2 trong nhóm các trường khu vực huyện Sóc Sơn (30,5 điểm). Dù vậy, nhà trường đã có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, xếp thứ 44 của thành phố. Tuy nhiên, chất lượng thi tốt nghiệp môn tiếng Anh của nhà trường còn thấp hơn điểm trung bình của thành phố là 1 điểm. Để khắc phục hạn chế này, nhà trường đã đề ra 5 giải pháp để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp năm nay. Một trong những giải pháp quan trọng được duy trì từ đầu năm học là tăng cường quản lý nền nếp học sinh, quan tâm sát sao đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có lực học yếu hoặc trung bình yếu…

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trường cần tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây ở từng lớp, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể; đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng của trường; hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm. Các nhà trường chủ động rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện thực tiễn; thành lập các nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm để chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu ôn tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch ôn tập, kế hoạch kiểm tra, khảo sát học sinh; tổ chức đánh giá đúng thực lực học sinh để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.

Để giúp học sinh có nhiều kênh ôn tập, Sở GD-ĐT Hà Nội đã giao Phòng Giáo dục Trung học khẩn trương lựa chọn đội ngũ giáo viên giỏi của các trường THPT trên địa bàn thành phố và tổ chức xây dựng, ghi hình các bài giảng để phát trên truyền hình vào các khung giờ nhất định, bảo đảm học sinh thuận tiện theo dõi, ôn tập. 

Cùng với việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trên truyền hình, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các phòng liên quan rà soát, cập nhật thêm các bài kiểm tra trên trang Học và thi trực tuyến của ngành tại địa chỉ https://study.hanoi.edu.vn/. Việc tổ chức ôn tập trên truyền hình nhằm hỗ trợ học sinh lớp 12 củng cố, hệ thống lại kiến thức trọng tâm và nâng cao kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm