Nhiều phụ huynh nhận ra chứng nghiện game của con khi đã quá muộn

Bảo Vy
06/07/2020 - 13:07
Nhiều phụ huynh nhận ra chứng nghiện game của con khi đã quá muộn
“Những năm gần đây đối tượng khách hàng của tôi ngày càng trẻ hóa, đối tượng cần hỗ trợ tâm lý ngày càng nhiều các cô cậu học trò. Có vẻ như các bậc phụ huynh và bản thân các em nhận ra chứng nghiện game khi đã quá muộn” – chuyên gia tư vấn tâm lý Mai Chi cho biết.

Đối tượng cần hỗ trợ tâm lý ngày càng nhiều

Chuyên gia tư vấn tâm lý Mai Chi chia sẻ: Là một chuyên gia tâm lý nhiều năm trong nghề, nhiều khi tôi xót xa đến nao lòng mỗi khi các bậc phụ huynh đưa con đến tư vấn tâm lý, hầu hết lúc này các con đã có những diễn biến tâm lý bất thường như: mất ngủ, sụt cân, vu vơ, khó giao tiếp xã hội, hẹp dần các mối quan hệ xã hội, mất năng lượng, không thể hoàn thành những việc có động tác đơn giản như: quét nhà hay rửa bát nhưng thẫn thờ không biết nên làm như thế nào…

Nhiều phụ huynh nhận ra chứng nghiện game của con khi đã quá muộn - Ảnh 1.

Ban đầu chỉ là trò chơi giải trí, rồi nghiện lúc nào không hay (Ảnh minh hoạ)

Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi rằng: Do công việc bận, thời gian bố mẹ, con cái tương tác với nhau ít nên không thể quan sát những diễn biến tâm lý và hành vi của con, đến khi thấy con bất thường mới đưa con đi khám tâm lý mới biết con đã trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ… Từ quá trình tư vấn tâm lý, tôi thực sự ái ngại về chất lượng sống của các em ham chơi game. Hơn thế nữa, không chỉ ham chơi game, các em còn biến nó thành một trào lưu sống cho giới trẻ, lấy đó làm thước đo về sự "sành chơi, sành điệu".

Những năm gần đây đối tượng khách hàng của tôi ngày càng trẻ hóa, đối tượng cần hỗ trợ tâm lý ngày càng nhiều các cô cậu học trò. Có vẻ như các bậc phụ huynh và bản thân các em nhận ra chứng nghiện game khi đã quá muộn. Ban đầu họ đều nhận định đó là trò giải trí, họ đam mê với cái mà được gọi là "giải trí" đó rồi nghiện lúc nào không hay. Khi thấy sức khỏe và chất lượng cuộc sống thực sự có vấn đề thì bố mẹ mới đưa con đi kiểm tra tâm lý.

Ấn tượng khó quên với tôi khi chị H. ở Nhân Chính, đưa con gái lớn 17 tuổi đến chỗ chúng tôi. Nhìn cô bé, tôi không khỏi ái ngại khi cô bé không thể giao tiếp, không cung cấp những thông tin cá nhân như: tên, tuổi, trường học, nhà mấy chị em…Thậm chí cháu còn nói tên mình là tên của một game thủ mà cháu thần tượng.

Gần đây nhất, trung tâm chúng tôi đón tiếp bố con anh Q. ở Q. Long Biên. Anh đưa cậu con trai đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý khi vừa tìm được cậu con trai 15 tuổi bỏ nhà đi 2 ngày ở tại một quán nét. Cháu gầy rộc, mắt thâm quầng vì chơi game thâu đêm, bỏ cả ăn, nét mặt ngơ ngác, đơn điệu, nhìn rất thương… Anh Q. chia sẻ, sau khi vợ chồng anh thấy con có biểu hiện mệt mỏi, trốn học, người lờ đờ…, tìm hiểu mới biết cháu đã quá sa đà vào game. Vợ chồng anh thu điện thoại của con, ý định là cấm con chơi game. Nhưng cả nhà không ngờ con trai đã bỏ nhà ra quán nét ngồi liền 2 ngày ở đó để chơi game.

Trường ra những đề bài nghị luận xã hội để giáo dục học sinh về tác hại của game online

Cô giáo Thuý Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bình, Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: Nhận định game online là loại hình giải trí hiện đại, hấp dẫn, dễ chơi; hợp với tâm lý giới trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác hại với những bạn chưa làm chủ được bản thân. Nhiều bạn trẻ không chỉ coi game là phương tiện giải trí mà bị cuốn hút vào đến mức ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt, học tập thì có thể nói rằng những bạn đó đã nghiện game online. Vì vậy, từ lớp 10 đến lớp 12, trường đều ra những bài nghị luận xã hội, có dạng đề phổ biến là tác hại của game online để giáo dục học sinh toàn trường.

Nhiều phụ huynh nhận ra chứng nghiện game của con khi đã quá muộn - Ảnh 2.

Cô giáo Thuý Toàn (áo dài màu ở giữa cùng các học sinh trong trường sau một khoá nghị luận xã hội

Khi các em nghiện game online sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nguy cơ mắc các bệnh về mắt, cột sống, huyết áp, tim mạch..., thậm chí có thể tử vong. Cùng với đó, các em sẽ bị phân tán tư tưởng, thiếu tập trung học tập, nên kết quả giảm sút. Thậm chí có bạn trốn học để đi chơi game; bỏ học để được tự do, thoải mái chơi game. Từ đó, các bạn tự chấm dứt con đường học tập và tương lai tươi sáng của mình. Không chỉ vậy, khi bị thế giới ảo cuốn hút, các bạn trẻ sẽ giảm tiếp xúc với người thân, bạn bè trong thế giới thực; trở nên lạnh lùng, xa cách. Có bạn lầm lì, trầm cảm; tự cô lập.

Chơi game cũng khá tốn kém mà bản thân các bạn học sinh lại chưa tự làm ra tiền. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn trộm cắp, cướp giật với mục đích lấy tiền chơi game và mua sắm, săn lùng các đồ chơi đầu tư cho nhân vật game yêu thích. Một số game bạo lực đã khiến các game thủ quen với cảnh đấm đá, giết chóc hoặc ảo tưởng về sức mạnh của bản thân... Có những nhóm học sinh mâu thuẫn khi chơi game mà tìm cách giải quyết, xử ly nhau bằng bạo lực ngoài đời, làm mất an ninh trật tự xã hội...

Tôi cho rằng, giới trẻ, nhất là các bạn ở lứa tuổi học sinh phải nâng cao nhận thức về tác dụng và hậu quả của game online, nâng cao kĩ năng sống, kĩ năng xã hội; biết chơi game 1 cách hiệu quả, khoa học, có lợi cho bản thân và không để lại hậu quả xấu. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, quy định rõ giờ học, giờ chơi; giám sát con tránh các trò chơi bạo lực; định hướng cho con tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế lành mạnh, có ích cho bản thân và xã hội.

Các nhà trường cũng cần tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh như văn nghệ, thể thao; tăng cường giáo dục kĩ năng sống, đạo đức, pháp luật... Chính quyền cũng phải có những quy định pháp luật nhằm tăng cường quản lý, kiềm tra các dịch vụ game; khuyến khích sản xuất game mang tính giáo dục để ngăn chặn game bạo lực đang lan tràn ngày một nhiều hơn trong trường học và ngoài xã hội...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm