Những đề xuất nhìn từ góc độ giới đối với chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Hải Yến
30/05/2023 - 18:19
Những đề xuất nhìn từ góc độ giới đối với chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Đại biểu Hà Thị Nga – ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - phát biểu tại họp tổ chiều 30/5.

Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, TPHCM cần nghiên cứu chính đặc thù đối với phụ nữ và trẻ em, cơ chế phát triển nguồn nhân lực nữ, quỹ đất xây dựng trường mầm non…

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, khoá XV, chiều 30/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Thị Nga – ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các nội dung do Chính phủ chuẩn bị cũng như các báo cáo thẩm tra. Nhìn từ góc độ giới, đại biểu Hà Thị Nga đưa ra một số đề xuất cụ thể:

Thứ nhất, cần quan tâm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các cơ chế chính sách, nghiên cứu có cơ chế chính đặc thù đối với phụ nữ và trẻ em như: Đa dạng các dịch vụ: hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi; hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; tư vấn hôn nhân và gia đình; An toàn của phụ nữ trong không gian công cộng; hỗ trợ lao động nữ di cư; có chính sách hỗ trợ thai sản cho phụ nữ khi sinh con góp phần khắc phục tình trạng già hóa dân số… Thực tế mức sinh thay thế của Thành phố hiện rất thấp, mức 1,39% con/phụ nữ, trong khi bình quân cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Đây là một nguy cơ lớn là Thành phố phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số.

Thứ hai, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực nữ để TPHCM không chỉ là một đầu tàu phát triển về kinh tế, xã hội mà đây phải là một hình mẫu về thực hiện các mục tiêu Quốc gia về Bình đẳng giới với tỷ lệ phụ nữ tham chính, phụ nữ tham gia lãnh đạo điều hành trong các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm.

Thứ ba, về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, trong quá trình triển khai, cần có phương án cụ thể về bố trí quỹ đất xây dựng trường mầm non, đặc biệt là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp vì rất thiếu tình trạng thiếu cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

Cần lồng ghép bình đẳng giới trong chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Thị Nga góp ý, cần bố trí quỹ đất xây dựng trường mầm non, nhất là ở những khu công nghiệp. Ảnh minh hoạ

Thứ tư, về báo cáo tác động về thủ tục hành chính, đại biểu bày tỏ sự phấn khởi vì phần lớn không phát sinh thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có 11 cơ chế chính sách mới có phát sinh hoặc liên quan đến thủ tục hành chính. "Thủ tục hành chính khiến các doanh nghiệp của chúng ta rất e ngại, trong đó có những nội dung rất mới như thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mua tín chỉ các-bon của thành phố", đại biểu Hà Thị Nga nêu lên và mong trong quá trình triển khai, các bộ ngành có sự hỗ trợ kịp thời, trách nhiệm để thành phố có sự điều hành, ban hành cơ chế, thủ tục hành chính thông thoáng nhất để chính sách đi vào thực tế.

Nhất thiết phải thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM 

Ngoài ra, đại biểu Hà Thị Nga cũng thống nhất với việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM vì sẽ khắc phục được hạn chế trong cơ chế phối hợp, những "khoảng trống" trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và xử lý tiêu cực về an toàn thực phẩm giữa các ngành; Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu sản xuất; sơ chế - chế biến, bảo quản, vận chuyển - lưu thông, phân phối - tiêu dùng; Đáp ứng được vấn đề thực tế địa phương giảm thiểu các vụ việc liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng chất lượng cuộc sống…

Cần lồng ghép bình đẳng giới trong chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Ảnh 2.

Việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm TPHCM sẽ làm giảm thiểu các vụ việc liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng chất lượng cuộc sống…

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông - Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đại biểu đề xuất cần có đánh giá sâu việc triển khai thực hiện các dự án giao thông công cộng trong thời gian qua để có thêm cơ sở và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.     

Về đề nghị cho phép áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa, nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp góp ý, đối với các di tích, di sản văn hóa, đặc biệt các di tích lịch sử-tôn giáo vừa có ý nghĩa lịch sử, chính trị vừa có yếu tố tâm linh cần thận trọng; đây là vấn đề có cả yếu tố thiêng liêng, có tính nhạy cảm do vậy cần lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu chuyên ngành khi tổ chức triển khai.

Với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga – ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo các văn bản gửi xin ý kiến. Ngoài ra, đại biểu có một số ý kiến cụ thể góp ý vào dự thảo Nghị quyết như sau:

Ở Khoản 2, Điều 8 với nội dung "Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm", nữ đại biểu góp ý, cần bổ sung nội dung: "hứa thăng cấp, thăng chức vụ, hứa tác động chính sách để có lợi cho người ghi phiếu" vì những nội dung này đôi khi còn lớn hơn nhiều so với các lợi ích vật chất.

Ở điểm a, Khoản 8 Điều 10 và Điều 11, nên cụ thể hóa hơn quy định: "Trường hợp cần thiết Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định việc điều chỉnh danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm". Theo nữ đại biểu, cần xác định cụ thể thời điểm điều chỉnh là thời gian nào, vì nếu trong kỳ họp QH, HĐND mới điều chỉnh danh sách thì khó đảm bảo đúng thời gian và các bước của quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Khoản 1 Điều 12 về Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hà Thị Nga góp ý, cần bổ sung thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm từ chức trong trường hợp có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" để đảm bảo tính nghiêm túc. Nữ đại biểu đặt câu hỏi, nếu tiếp tục tiến hành bỏ phiếu kín mà kết quả vẫn như vậy thì xử lý thế nào?

Đại biểu Hà Thị Nga cũng cho biết, bà đồng tình khi ở Khoản 5, điều 3 bổ sung trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm là những người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của y tế và không điều hành từ 6 tháng trở lên theo Quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm