pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều ít biết về OceanGate, công ty duy nhất cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác Titanic
Những ngày vừa qua, sự việc liên quan đến vụ tai nạn của tàu ngầm thám hiểm Titan đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Bên cạnh việc theo dõi tình hình cứu hộ cũng như các thông tin khác liên quan đến vụ việc, công ty đứng sau việc thiết kế con tàu Titan và tổ chức tour thám hiểm xác tàu Titanic - OceanGate cũng được đặc biệt quan tâm.
Vậy, OceanGate hoạt động như thế nào?
OceanGate Expeditions, công ty sở hữu chiếc tàu lặn Titan là một công ty tư nhân có trụ sở tại Everett, Washington, Mỹ. Công ty này được thành lập vào năm 2009 bởi Stockton Rush, hiện đang là giám đốc điều hành của công ty và cũng là 1 trong số 5 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu Titan ngày 18/6 vừa qua.
Được biết, khi mới chỉ 19 tuổi, nhà sáng lập công ty Stockton Rush đã trở thành phi công vận tải phản lực trẻ nhất thế giới và lấy bằng kỹ sư hàng không vũ trụ của Đại học Princeton. Vào năm 1989, ông lấy bằng MBA của Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California, Berkeley.
Theo trang web OceanGate, kể từ khi thành lập, công ty này đã đặc biệt tập trung vào việc tăng khả năng tiếp cận hoạt động thăm dò dưới đáy đại dương. Trong những năm gần đây, công ty này đã bắt đầu tổ chức các chuyến thám hiểm bằng tàu ngầm với mục đích du lịch.
Họ cung cấp dịch vụ tham quan những con tàu đắm nằm dưới biển sâu, bao gồm cả tàu Titanic và các hẻm núi dưới nước. Theo trang web của công ty, OceanGate cũng cung cấp tàu lặn có người lái cho các dự án thương mại và nghiên cứu khoa học. Kể từ khi thành lập, OceanGate đã thực hiện thành công hơn 14 chuyến thám hiểm và hơn 200 lần lặn ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Vịnh Mexico.
"Đội ngũ phi công có trình độ, trưởng đoàn thám hiểm, chuyên gia sứ mệnh và nhân viên dịch vụ khách hàng của chúng tôi đảm bảo trách nhiệm trong toàn bộ nhiệm vụ và quá trình thám hiểm, tập trung vào sự an toàn, giao tiếp chủ động và sự hài lòng của khách hàng," trang web của OceanGate viết.
Tour thám hiểm tàu Titanic của OceanGate
Là một trong những dịch vụ thám hiểm được cho là chỉ dành cho giới siêu giàu, chi phí cho chuyến thám hiểm được cho là khoảng 250.000 USD (5,9 tỷ đồng)/người. Khi thực hiện chuyến thám hiểm này, những hành khách sẽ đi theo một lịch trình kéo dài 8 ngày, cho phép họ khám phá Titanic ở độ sâu 3.800 mét trong con tàu ngầm làm bằng bằng sợi carbon và titan.
Tại đây, họ sẽ trải nghiệm nhiều dịch vụ bao gồm một lần lặn dưới nước, chỗ ở riêng, được đào tạo kỹ năng, cung cấp thiết bị thám hiểm và tất cả các bữa ăn trên tàu. Vé máy bay, khách sạn, các bữa ăn trước khi khởi hành và bảo hiểm cá nhân không được bao gồm trong chi phí chuyến thám hiểm.
Thông thường, con tàu Titan chứa được tối đa 5 người bao gồm một lái tàu, ba chuyên gia nhiệm vụ (những người tham gia - khách hàng) và một chuyên gia nội dung.
Trang tin công nghệ GeekWire cho biết, công ty lần đầu tiên lên kế hoạch cho chuyến đi đến Titanic vào năm 2018 tuy nhiên do gặp nhiều trục trặc kỹ thuật cũng như quy định hàng hải, đến năm 2021, chuyến thám hiểm xác tàu Titanic đầu tiên của công ty mới được thực hiện.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 3 cuộc thám hiểm xác tàu Titanic được thực hiện. Dù 2 chuyến thám hiểm đầu tiên không xảy ra tai nạn nghiêm trọng nhưng các sự cố liên lạc trong các lần lặn trước đây tới Titanic, gây lo ngại về độ an toàn và tin cậy.
OceanGate sở hữu bao nhiêu tàu lặn?
Là công ty đặc biệt chú trọng đến việc du lịch khám phá dưới đáy đại dương, dù chưa biết rõ số lượng cụ thể nhưng OceanGate được cho là sở hữu nhiều loại tàu lặn khác nhau.
Tàu lặn đầu tiên được OceanGate mua lại là Antipodes, chiếc tàu có thể di chuyển đến độ sâu khoảng 300 mét. Vào năm 2012, công ty đã mua một chiếc tàu lặn khác và chế tạo lại nó thành Cyclops 1, một con tàu có thể di chuyển đến độ sâu lên tới 500 mét.
Về con tàu gặp nạn Titan, con tàu này được mệnh danh là con tàu lặn duy nhất có thể đưa 5 người đến độ sâu 3.800 mét của đại dương. OceanGate cho biết con tàu làm bằng sợi titan và carbon được thiết kế để "khảo sát và kiểm tra địa điểm, nghiên cứu và thu thập dữ liệu, sản xuất phim và đồng thời thử nghiệm phần cứng và phần mềm dưới biển sâu".