Những “Hiệp sĩ tình yêu” ở Ấn Độ

29/06/2017 - 07:40
Vài năm qua, các tổ chức xã hội ở Ấn Độ mở đường dây nóng mang tên Love Commandos (tạm dịch Hiệp sĩ tình yêu) dành cho các cặp tình nhân bị đe dọa sát hại bởi chính gia đình họ. 12 tình nguyện viên trực tổng đài “Hiệp sĩ tình yêu” làm việc 3 ca, liên tục.
“Chúng tôi yêu nhau nhưng cha mẹ muốn sát hại chúng tôi”

Đó là lời tâm sự của một thiếu nữ ở bang Haryana với nhân viên đường dây nóng. Cô tiết lộ câu chuyện giống với nhiều bạn trẻ Ấn Độ khác gọi đến tổng đài: “Chúng tôi yêu nhau nhưng cha mẹ muốn sát hại chúng tôi”.
yeu.jpg
Những thành viên của "Hiệp sĩ tình yêu"

Tại một số bang ở miền Bắc Ấn Độ như Uttar Prades, Pendzab và Haryana, trung bình mỗi tuần có vài thanh niên bị sát hại bởi chính người thân trong gia đình. Lỗi duy nhất của họ là cả gan yêu đối tượng thuộc cộng đồng sắc tộc không phù hợp với tập tục địa phương.

Án tử hình truyền miệng được già làng tuyên phạt. Cho đến trung tuần tháng 7/2010, không ai có thể ngăn cản án tử hình vô lý đó. Bây giờ, một cú điện thoại gọi đến “Hiệp sĩ tình yêu”, cặp tình nhân có thể được cứu mạng sống. 

Ngay khi có thông tin, “Hiệp sĩ tình yêu” sẽ báo cảnh sát địa phương hoặc trực tiếp phái các tình nguyện viên và luật sư đến địa bàn để giải quyết vụ việc. Sau khi gặp gỡ đương sự, nỗ lực hòa giải sẽ được triển khai giữa các thành viên gia đình (hoặc giữa hai gia đình).

Tiếp theo, các “hiệp sĩ” phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền khu vực có thể hoàn thành thủ tục hợp pháp hóa hôn nhân cho đương sự. Sau 3 tháng hoạt động, tổ chức “Hiệp sĩ tình yêu” đã giúp 6 nghìn cặp kết hôn theo cách này.

bai-diem-nong.jpg
Hai bạn trẻ được "Hiệp sĩ tình yêu" giúp đỡ

Tác giả của ý tưởng thành lập Love Commandos là hai nhà hoạt động thuộc phong trào đấu tranh chống hủ tục ở Ấn Độ: Nhà báo Sanjay Sacdeva và chủ hãng vận tải ở Delhi, Harsh Malhotra. Không ít câu chuyện giải cứu nạn nhân của tổ chức “Hiệp sĩ tình yêu” nghe không khác gì kịch bản phim hành động ly kỳ và hấp dẫn của Bollywood.

Lẩn trốn bố mẹ trong ngôi nhà hoang, Kripa, thiếu nữ trẻ thuộc cộng đồng người Jat, biết rằng, cuộc sống của bản thân chỉ cách lưỡi hái tử thần gang tấc. Khi kẻ tấn công bất ngờ xuất hiện, sẵn vũ khí (bình xịt hơi cay) được thành viên của “Hiệp sĩ Tình yêu” trang bị từ trước khi chạy trốn, thiếu nữ xịt vào mặt kẻ lạ mặt và chạy ra bìa làng.

Tại địa điểm hẹn trước, xe hơi của tổ chức chờ sẵn. Người lái xe mạo hiểm tính mạng của mình vì anh có thể bị “tòa án các già làng” trừng phạt vì “cả gan giải cứu phạm nhân đã bị án tử hình”.

Vài giờ sau, Kripa đã trong vòng tay Prashant, chàng trai thuộc bộ tộc Meena, cộng đồng có đẳng cấp thấp hơn. Tổ chức “Hiệp sĩ tình yêu” đảm bảo nơi trú ẩn an toàn cho cặp tình nhân. Trước khi đạt được sự thỏa hiệp của gia đình Kripa và Prashant, đôi bạn trẻ phải sống không khác gì nhân vật trong phim “Kẻ bị truy nã”.

Câu chuyện của Aarti, 19 tuổi và Sanjay, 22 tuổi cũng kết thúc may mắn tương tự.
Hai bạn trẻ sống trong hai ngôi nhà liền kề ở Agra, yêu nhau từ tuổi ấu thơ. Đến tuổi trưởng thành, suốt nhiều tháng, đôi bạn trẻ lén lút gặp nhau sau bức tường ngăn cách hai gia đình. Một hôm, mẹ cô gái tình cờ nghe được câu chuyện của họ. Lập tức cuộc sống của cô trở thành địa ngục.
tnh.jpg
Để đến được với nhau, họ trải qua những lằn ranh sinh tử

Cho dù hai gia đình thuộc cộng đồng bộ tộc giống nhau- Thakur và Kashyap, song cộng đồng gia đình nhà cô gái được đánh giá cao hơn. Aarti bị trừng phạt nhiều tháng cùm chân tại gia, bị gia đình và người thân đánh đập. Khi Aarti từ chối cắt đứt mối quan hệ với Sanjay, người mẹ đã quyết định bán con gái cho người đàn ông khác với giá 10 nghìn rupi (tương đương gần 200 USD).

Cô gái liều mạng chạy trốn và gọi điện cho “Hiệp sĩ tình yêu”. Hiện Aarti cùng người yêu sống trong ngôi nhà an toàn ở Delhi.
 
Những cái chết vì “danh dự”

Ngày mới thành lập, tháng 7/2010, tổ chức “Hiệp sĩ tình yêu” thường xuyên có 2 nghìn tình nguyện viên. Đến nay, đội quân này trên khắp Ấn Độ đã lên tới gần 100 nghìn. Hoạt động của tổ chức nhận được sự cổ vũ và hỗ trợ tích cực của các luật sư, thẩm phán cùng các ngôi sao điện ảnh và truyền thông. Thậm chí đã xuất hiện bộ phim về những cái chết “danh dự” mang tên “Aakrosh”.

Kịch bản dựa trên câu chuyện có thật của chàng thanh niên Nitisha Katara, 24 tuổi, yêu con gái ông Dharam Pal Yadava, nhà hoạt động chính trị bang Uttar Prades. Con trai vị chính khách này đã sát hại chàng trai si tình một cách dã man: dùng búa đập vào đầu nạn nhân, sau đó tẩm xăng và thiêu sống.

Đó là hành động trả thù của gia tộc quan chức đối với chàng trai gia đình thường dân đã cả gan “quyến rũ” con gái của họ. Trong phim, cũng như ngoài đời, sức mạnh của truyền thống bảo thủ lấn át tất cả. Đạo diễn chủ ý tránh lên án thủ phạm gây tội ác, để không làm mếch lòng đám đông bảo thủ, những người vẫn coi hành động sát nhân không tệ hại bằng việc vi phạm tập tục truyền thống.

Tổ chức “Hiệp sĩ tình yêu” ra đời sau hàng loạt vụ giết người “vì danh dự” gây rúng động xã hội. Tháng 4/2010, nữ sinh viên khoa Báo chí Nirupama Pathak, 23 tuổi, được phát hiện đã tử vong trong phòng ở ký túc xá. Nhiều khả năng thiếu nữ thiệt mạng do bị bóp cổ, song gia đình đã dựng hiện trường giả nạn nhân tự treo cổ.

Tháng 5, trước sân Đại học Delhi, đám đông sinh viên đã tụ tập, thắp nến, biểu tình đòi chấm dứt hành động giết người “vì danh dự”. Đối với họ, bạn gái Nirupama, người thuộc cộng đồng Braminy, rõ ràng đã bị chết oan vì cả gan yêu giảng viên thuộc cộng đồng đẳng cấp thấp hơn. Và thiếu nữ đã bị gia đình giàu có của mình trừng phạt. Buổi sáng định mệnh đó, cô thừa nhận với mẹ đã có thai với thầy giáo.

Từ ngày 9/4 đến 30/6/2010 đã ghi nhận tới 19 trường hợp bị giết chết vì danh dự, khủng khiếp nhất là vụ sát hại man rợ cặp bạn trẻ yêu nhau ở Delhi. Cả hai thiệt mạng sau nhiều giờ bị tra tấn điện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm