Những khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ

Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. Ảnh: T.L

Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. Ảnh: T.L

Nghệ thuật Dù kê với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của người Khmer Nam Bộ.

Loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer

Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó của dân tộc Khmer như Rô băm. Hình thành và phát triển ở vùng đất mới nơi có đời sống cộng cư, nên nghệ thuật sân khấu Dù kê đã có những ảnh hưởng bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer với người Kinh và người Hoa trên địa bàn... 

Với những đặc điểm của vùng miền, của sự hội tụ và lan tỏa, nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời đã nhanh chóng được phổ biến khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ. Chúng ta thấy có nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer lần lượt ra đời, trong đó phải kể tới các tỉnh có sự phát triển mạnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau…

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ diễn ra từ ngày 1 đến 7/4/2023 tại Trà Vinh, thu hút hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật. Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phối hợp tổ chức. Tại Liên hoan, có 13 vở diễn được giới thiệu với các đề tài dân gian, lịch sử hoặc hiện đại, thời lượng từ 90 đến 130 phút mỗi vở.

Đây là lần thứ 2 Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ được tổ chức (lần đầu tiên vào năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng).

Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh

Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh - Trà Vinh biểu diễn đàn Khưm lại Lễ Khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ 2

Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer được xây dựng trên nền nghệ thuật tổng hợp (hát múa và biểu diễn các tích truyện). Hình thức biểu diễn mang tính ước lệ cách điệu cao, nhằm phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng thông qua các tuồng tích được trích ra từ các điển tích nhà Phật. Trong quá trình hình thành và phát triển, sân khấu Dù kê cũng có một số sáng tác mới mang nội dung phản ánh những sự kiện và hơi thở của cuộc sống đang diễn ra trong xã hội đương đại. 

Đề tài của sân khấu Dù kê rất phong phú, từ điển tích nhà Phật, tới các câu chuyện cổ tích dân gian và các mối quan hệ vua - tôi, vợ - chồng… Nội dung các tích truyện diễn ra trên sân khấu Dù kê, về cơ bản luôn đề cao đạo lý của con người, mang tinh thần hướng thiện, ca ngợi cái tốt đẹp, lên án cái ác, cái xấu. Cốt truyện được kết cấu chặt chẽ, bao giờ cũng kết thúc có hậu, cái thiện thắng cái ác; ở hiền gặp lành. Cấu trúc kịch bản có tính xung đột (thiện ác phân minh) nên câu truyện kịch rất mạch lạc, dễ hiểu. Người không biết tiếng Khmer khi theo dõi diễn biến của vở Dù kê vẫn có thể hiểu được nội dung cốt truyện. Những tác phẩm Dù kê có giá trị nghệ thuật cao và ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần trong cộng đồng và nền văn hóa Khmer.

Dù kê là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp, nó được kết hợp nhuần nhuyễn với nhiều yếu tố cấu thành. Từ kết cấu kịch bản với những tuyến nhân vật, thông qua những mâu thuẫn xung đột (thiện ác, tốt xấu) được thể hiện qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật, diễn ra qua từng màn lớp, được trình  diễn trước người xem. 

Về nghệ thuật biểu diễn, Dù kê đã dùng thủ pháp ước lệ, cách điệu của sân khấu truyền thống phương Đông làm ngôn ngữ thể hiện. Vì vậy, lời thoại của các nhân vật đã được mỹ lệ hóa thành thơ, thành vần điệu và được tổ chức sáng tác thành các bài bản, làn điệu. 

Bên cạnh đó, để tạo ra hiệu quả trong ngôn ngữ biểu diễn, sân khấu Dù kê đã xây dựng một hệ thống vũ đạo, những vũ đạo này được rút ra từ võ thuật, từ múa trong sinh hoạt thờ cúng dân gian, nhưng được tổ chức khoa học, được phối hợp với âm nhạc với những bài bản, làn điệu để thể hiện tính cách nhân vật qua từng trò diễn.

Lối diễn của nghệ thuật sân khấu Dù kê rất phong phú. Mỗi lời hát cất lên, được kết hợp với vũ đạo phụ họa. Vũ đạo của sân khấu Dù kê có tính khoa trương cách điệu được di chuyển trên nền nhạc truyền thống. Dàn nhạc của nghệ thuật sân khấu Dù kê được dựa trên cấu trúc âm nhạc ngũ âm, và diễn tấu dựa trên các bài bản được quy định chặt chẽ. Âm nhạc được mô hình hóa, thành các bài bản làn điệu để phối hợp phục vụ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu. Những làn điệu này rất phong phú, nó góp phần thể hiện hoàn cảnh và cung bậc tình cảm của các nhân vật. Dàn nhạc truyền thống thường có từ 5 đến 10 nhạc công được bố trí ngồi bên dưới sân khấu để phối hợp tấu nhạc hỗ trợ những màn múa, hát theo quy định của vở diễn. 

Về cách hóa trang nhân vật, người diễn viên phải hóa trang theo tính cách nhân vật với những nét vẽ để thành những bậc đế vương, ông hoàng, bà chúa và những nhân vật khác (như chằn) trong tích truyện có tính khoa trương, cách điệu rất cao.

Một tiết mục Dù kê của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau

Một tiết mục Dù kê của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau

Với những cốt truyện mang tính kinh điển của nhà Phật được mô hình hóa thành nghệ thuật biểu diễn, mang tính cách điệu và ước lệ ca, kết hợp với vũ đạo, làn điệu và những bản nhạc du dương mang bản sắc văn hóa của người dân Khmer được thể hiện một cách điêu luyện nên nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer thường được biểu diễn trong các lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây (Mừng năm mới), Lễ Ook Oom Book (Lễ cúng trăng), Lễ Đôlta (Lễ Báo hiếu) luôn luôn thu hút khán giả. 

Có thể nói, lối sống chân chất, mộc mạc của người Khmer Nam Bộ, tình làng nghĩa xóm được duy trì, vun đắp cho đến ngày nay có phần đóng góp của các tích truyện từ sân khấu Dù kê. Và nghệ thuật sân khấu Dù kê đã góp phần làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam.

Vào năm 1960, Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh (nay là Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh) tỉnh Trà Vinh được thành lập và là đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp đầu tiên ở Nam Bộ. Trải qua hơn 60 năm thành lập, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh luôn ngời sáng, đã dàn dựng hơn 40 tiết mục mang tính chất xã hội đương đại. Trong đó, đáng kể nhất là vở "Nghĩa tình trong giống tố", "Giữ Đền cô Hia", "Bông Hồng Trà Vinh", "Mối tình Bôpha - RạngXây"… 

Đặc biệt, tại hội diễn Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay Bình Định) năm 1985 do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, vở ca kịch Dù kê "Mối tình Bôpha - Rạng Xây" ca ngợi mối tình hữu nghị đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã gây bất ngờ đối với người xem cả về hình thức, nội dung và phong cách biểu diễn rất đặc thù ở địa phương và đạt huy chương vàng. 

Cũng tại hội diễn này, nghệ thuật sân khấu Dù kê được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là loại hình sân khấu dân tộc Khmer Nam bộ nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống Việt Nam.

"Tre già, măng chưa mọc"

Theo thời gian và sự biến đổi của cuộc sống hiện đại, những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn đó đang đặt ra trách nhiệm cho các nhà quản lý và các nghệ sĩ nghệ thuật Dù kê Khmer ngày hôm nay để làm sao giữ gìn, phát triển có nhiều tác phẩm mới nhằm góp phần giữ gìn, sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu Dù kê có chất lượng làm đẹp thêm đời sống tinh thần, làm phong phú thêm bề dày văn hóa ở vùng đất cây lành trái ngọt này.

Trong xu thế của quá trình hội nhập và phát triển với thế giới, các quốc gia và dân tộc đều đưa ra mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống, trong đó thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật góp phần bảo tồn các giá trị, di sản truyền thống, bản sắc dân tộc.

Khó khăn lớn của các đoàn nghệ thuật Dù kê hiện nay chính là nguồn nhân lực trẻ. Hiện nay, nghệ thuật Dù kê đang tồn tại và phát triển ở các tỉnh chúng ta thấy: Có những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có số lượng diễn viên đủ mạnh để dàn dựng tiết mục mới. Có những doanh nghiệp đầu tư cho đoàn nghệ thuật Dù kê hoạt động. Nhưng đa số các đoàn nghệ thuật Dù kê đều hoạt động theo mô hình xã hội hóa tự chủ tự kinh doanh, tự đầu tư kinh phí, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn cho đầu tư phát triển. 

Mặc dù các đoàn nghệ thuật Dù kê đã nỗ lực vượt lên khả năng của chính mình để hoạt động, song cái khó để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch Dù kê hiện nay là trình độ của diễn viên. Diễn viên Dù kê của các đoàn hiện nay chủ yếu là học truyền nghề, trong khi đó, tiêu chuẩn diễn viên hiện nay đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản cả văn hóa và nghề nghiệp. Để biểu diễn được nghệ thuật Dù kê không dễ, vì người thể hiện được hệ thống nhân vật của sân khấu Dù kê phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ văn học, cảm thụ âm nhạc và diễn xuất. Vì vậy, người theo nghề phải có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc mình, lại phải có trình độ biểu diễn nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. 

Hiện công tác đào tạo cho nghệ thuật Khmer chủ yếu dựa vào việc truyền nghề tại các đoàn nhưng rất ít người theo học nên đang đứng trước tình cảnh "Tre già măng chưa mọc" bởi thiếu đội ngũ kế thừa, nên chậm và không theo sát được tốc độ phát triển của nhịp sống đương đại.

Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ - Ảnh 4.

Nhân vật Hoàng tử trong vở diễn Dù kê. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Ngoài lực lượng chính là nghệ sĩ biểu diễn, chúng ta còn thấy vấn đề tác giả kịch bản và đội ngũ đạo diễn cho sân khấu Dù kê đang rất thiếu nên ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê. Ngày nay, muốn nghệ thuật Dù kê phát triển, việc đẩy mạnh nghiên cứu sưu tầm vốn nghệ thuật dân gian, truyền thống dân tộc Khmer, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, mạnh dạn đưa vào thể nghiệm dàn dựng các tiết mục, chương trình, vở diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc nghệ thuật Khmer; tập trung biên soạn các tài liệu nghệ thuật truyền thống làm cơ sở cho việc truyền dạy, tập huấn nghệ thuật. 

Bên cạnh đó, công tác khán giả cần có nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ để trên cơ sở đó đầu tư sáng tác nhằm tạo ra những tác phẩm mới có giá trị thời đại, phù hợp với thị hiếu của đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật dân tộc, để có cơ sở cải tiến và nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu Dù kê. Đó là những vấn đề cần được coi trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển, hòa nhập cùng với cộng đồng thế giới và thời đại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn