Những khoảnh khắc giao cảm của mẹ và con gái trong tiểu thuyết "Sống"

Bảo Minh
10/03/2024 - 17:31
Những khoảnh khắc giao cảm của mẹ và con gái trong tiểu thuyết "Sống"

"Sống" - cuốn tiểu thuyết bằng tranh

Cuốn truyện tranh “Sống” là những khoảnh khắc giao cảm của mẹ và con gái nhưng cũng là những giao cảm thế hệ, của quá khứ - hiện tại, của sự kết nối hai nền văn hóa Việt - Pháp.

Cuốn tiểu thuyết bằng tranh Sống do nữ tác giả Hải Anh - người Pháp gốc Việt và Pauline Guitton - họa sĩ Pháp - sáng tác. Tác phẩm là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái những ký ức ly kỳ xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu.

Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là thiếu nữ trong ký ức người mẹ, cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu; hai là thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn.

Tác giả Hải Anh (bên phải) và họa sĩ Pauline

Tác giả Hải Anh (phải) và họa sĩ Pauline

Tuyến thời gian quá khứ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc từ năm 1969 tới 1975. Trong 7 năm sống tại chiến khu, thiếu nữ Linh (trong ký ức của người mẹ) đã làm quen các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh. Những câu chuyện quá khứ trong Sống không phải những đối đầu gay cấn mà là những khoảnh khắc ngày thường nơi chiến khu. Lướt qua những khung truyện về quá khứ, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh cô thiếu nữ Linh cùng cha mình và những người đồng đội sống, làm việc, làm phim đầy đam mê trong thiếu thốn đủ bề, trong làn bom rơi bão đạn và trong tiếng máy bay gầm rú.

Đan xen với những kỷ niệm quá khứ đầy rung động của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái. Thiếu nữ tên Linh ngày nào giờ đã trở thành một đạo diễn đương đại nổi tiếng của Việt Nam nhưng đâu đó bên trong con người bà vẫn chịu ảnh hưởng của quá khứ. Những trải nghiệm ấy tác động lớn đến cuộc sống của bà và mối quan hệ giữa bà và con gái. Người con gái mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp gặp rất nhiều khó khăn để có thể kết nối với người mẹ sống trong thời chiến, kết nối với cội nguồn Việt Nam trong mình. Theo từng câu chuyện, người con dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc để từ đó thông cảm, sẻ chia, tạo dựng chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa.

Những câu chuyện giao cảm thế hệ của hai mẹ con trong Sống vừa góp phần tái hiện lịch sử của dân tộc, vừa khắc họa mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con gái, cùng mong ước tìm hiểu nguồn cội của một người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Truyện tranh "Sống" được vẽ minh họa bởi họa sĩ Pauline

Truyện tranh "Sống" được vẽ minh họa bởi họa sĩ Pauline

Qua nét vẽ sinh động của một họa sĩ trẻ người Pháp, những trang truyện tranh của Sống đã phác ra một mảng ký ức lịch sử của dân tộc, phác ra hình ảnh về những người Việt thời kháng chiến và thời nay, cũng đồng thời phác ra những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ mẹ - con; kháng chiến - hòa bình; dân tộc - hội nhập... Từ đó, thành nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, kết nối hai nền văn hóa Pháp - Việt.

Lựa chọn hình thức tiểu thuyết bằng tranh mới lạ và hiện đại, Sống lần đầu ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuốn sách đã nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả tại Pháp. Trước đấy, ngay từ khi còn là bản thảo, Sống đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất bản dành cho những tác phẩm xuất sắc bằng Pháp ngữ - La Scam. Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, cuốn sách đoạt giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024.

Nhân dịp cuốn sách Sống ra mắt độc giả Việt Nam, NXB Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Sống - Những khoảnh khắc giao cảm vào 9h30 ngày 12/3/2024 tại 55 Quang Trung, Hà Nội. Tham gia giao lưu, trò chuyện trong chương trình có tác giả Hải Anh, họa sĩ Pauline Guitton, đạo diễn Việt Linh (nguyên mẫu nhân vật Linh trong cuốn sách), nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà văn Đỗ Anh Vũ.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm