Những "ông già Noel" dùng súng

30/08/2017 - 10:55
Ngày 23/12/1927, một ông già Noel mập tròn, lùn tịt rảo bước qua trung tâm thành phố Cisco ở Texas (Mỹ). Bộ cánh của ông làm lũ trẻ chú ý, chúng đã theo chân "ông già Noel". Cùng với lũ trẻ "ông già Noel" bước vào chi nhánh ngân hàng đệ nhất quốc gia...
Đáp lại sự đón tiếp vui vẻ của cánh nhân viên chi nhánh ngân hàng đệ nhất quốc gia (First National Bank), "ông già Noel" rút ra một khẩu côn quát "giơ tay lên". Tức thì, 3 kẻ đồng phạm trà trộn từ trước trong đám khách hàng cũng rút súng theo.
Ảnh minh họa

"Ông già Noel" – thực chất là Marshall Ratliff, một tên tội phạm, vơ vội tiền vào cái bao tải khoác trên vai. Nhưng sau đó, mọi việc diễn ra tệ đến mức không thể tệ hơn: Một bà khách khi bước vào ngân hàng đã nhận ra ngay tình hình và kịp bỏ chạy. Ít phút sau, cảnh sát đã ập đến và tin tức về vụ cướp ngân hàng đã lan nhanh ra khắp thành phố.

Một đám đông lập tức tụ tập trước ngân hàng, nhiều người mang theo vũ khí – vì mới vài ngày trước, Hiệp hội ngân hàng bang Texas treo thưởng 5.000 đô la cho… xác mỗi một tên cướp nhà băng (một số tiền rất lớn hồi đó! Lý do là hồi đó, mỗi ngày trung bình xảy ra từ 3 đến 5 vụ cướp nhà băng.

"Ông già Noel" chạy trốn

Khung cảnh bỗng chốc trở nên hỗn loạn, cảnh sát, bọn cướp và nhiều người dân Cisco bắn nhau. Sau này, người ta đếm được hơn 200 phát đạn bắn vào tường nhà băng. Cuối cùng, bọn cướp bắt 2 cô gái làm con tin và thoát được ra ô tô. Cảnh sát trưởng và một trợ thủ bị bắn hạ nhưng 2 tên cướp cũng dính đạn.
Ngân hàng First National Bank, nơi xảy ra vụ cướp đẫm máu năm 1927

Tuy nhiên, khi thoát ra được đến ô tô, bọn cướp mới biết xe của bọn chúng… hết xăng, lốp bị chọc thủng. Chúng dùng súng buộc một chiếc xe khác ngẫu nhiên chạy qua dừng lại. Lái chiếc xe này là một… cậu bé 14 tuổi. Cậu bé xuống xe, nhưng nhanh trí lấy theo chìa khóa điện chạy biến vào ngõ. Khi chễm chệ trên xe "ông già Noel" và đồng bọn mới phát hiện xe không có chìa khóa!

3 tên cướp cùng 2 con tin chạy trốn. Chúng bỏ lại toàn bộ “chiến lợi phẩm” và một tên đồng bọn bị bắn hạ. Sau đó là cuộc săn mèo vờn chuột trong nhiều ngày. Bọn cướp lẩn vào rừng, cướp tiếp ô tô, bắt tiếp con tin. Cảnh sát theo sát gót bọn chúng.

Sau một trận đấu súng bên sông Brazos "ông già Noel" mới bị hạ bằng 6 phát súng, 2 đồng phạm còn lại bị bắt sau đó vài ngày. Trong số những tên cướp ngân hàng Cisco, chỉ Robert Hill thoát được án tử hình. Hắn bị xử 99 năm tù giam và sau này được ân xá. Ratliff và một đồng phạm bị xử tử hình.

Vụ "ông già Notel" cướp nhà băng năm 1927 là một trong những vụ án gây chấn động nhất thế kỷ 20 trong lịch sử hình sự Mỹ và là một trong "những vụ án Giáng sinh“ kịch tính nhất. Từ đó đến nay, đã không ít lần bọn tội phạm chọn những ngày Giáng sinh để làm những vụ lớn.

"Thánh tích" không cánh mà bay

Đúng ngày Giáng sinh năm 1950 ở London, 4 sinh viên đã đột nhập tu viện Westminster lấy trộm Stone of Scone – một "thánh tích" huyền thoại bằng đá đóng vai trò quan trọng trong lễ lên ngôi vua của triều đình Anh quốc.
Hoàng tử Anh Andrew trao trả “Stone of Scone” cho Scotland ngày 30/11/1996

Tuy không phải là đá quý nhưng đích thân vua Edward Đệ nhất trong một cuộc viễn chinh ở miền Bắc Anh quốc năm 1296 đã chiếm được tảng đá màu đỏ xám có giá trị lịch sử này từ Scotland. Stone of Scone được coi là báu vật linh thiêng quốc gia của người Scotland. Từ thời cổ xưa, các vua xứ Scotland đã lên ngôi bên tảng đá được coi là có sức mạnh huyền bí này.

Vua Edward đã cho đặt tảng đá này vào tu viện Westminster. Tại đây, Stone of Scone yên vị được 654 năm – đến ngày 25/12/1950, khi bị tay sinh viên trường luật Ian Hamilton cùng 3 đồng môn cẩu ra ngoài ô tô chở đi mất. Họ không lấy trộm tảng đá huyền bí để bán lấy tiền. Mấy tay sinh viên này muốn đưa biểu tượng của vương triều Scotland về quê hương Scotland của họ.

Trong vụ trộm có một không hai này, chính thủ phạm lại là những người kinh hãi nhất, khi tảng đá linh thiêng bị vỡ làm đôi trong khi vận chuyển. Tuy nhiên, họ vẫn đào tẩu thành công cùng chiến lợi phẩm. Báu vật linh thiêng quốc gia đã sứt mẻ của người Scotland được giấu trong một chiếc xe ô tô và lọt qua mọi hàng rào cảnh sát.

Trên đường đào tẩu, mấy tay sinh viên còn dừng lại tại xưởng làm đá của thợ cả Bertie Gray để ông này gắn hai mảnh vỡ thành một. Sau đó tảng đá được đưa đến tu viện Arbroath ở vùng Angus  - thánh địa của những người Scotland theo chủ nghĩa dân tộc.

Chiến lợi phẩm khiến người Scotland vui mừng còn người Anh thì không bó tay đứng nhìn. Mùa xuân năm 1951, tảng đá linh thiêng này lại được đưa về chỗ cũ trong tu viện Westminster. Đối với 4 tay sinh viên được Scotland tôn vinh là "anh hùng dân tộc", bộ máy tư pháp Anh quốc đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, điều rất mừng, đến năm 1996, Hoàng tử Anh Andrew đã trao trả Stone of Scone cho người Scotland. Vậy là, sau đúng 700 năm phiêu bạt, Stone of Scone đã được trịnh trọng đưa trở lại lâu đài Edinburgh, nơi nó từng bị vua Edward chiếm đoạt của người Scotland.

3 kiệt tác hội họa bị đào tẩu

Ngày 23/12/2000, chỉ 1 ngày trước đêm Giáng sinh đã xảy ra một trong những vụ cướp tác phẩm nghệ thuật chấn động nhất trong lịch sử hình sự: Một toán cướp bịt mặt, mang súng máy đã đột nhập vào Viện bảo tàng Stockholm theo kiểu điệp viên 007. Bọn cướp lao qua đám khách tham quan đang ngơ ngác, đến đúng 3 bức họa đặc biệt có giá trị.
Bảo tàng quốc gia Stockholm, nơi bọn cướp gây án một ngày trước Giáng sinh 2000

Chỉ trong vài phút, chúng đã lấy đi 1 tác phẩm của Rembrandt và 2 tác phẩm của Renoir rồi biến mất dạng trên một chiếc xuồng cao tốc. Xe cảnh sát lao đến hiện trường đã bị bọn cướp dùng một loạt thảm gắn đinh rải quanh Viện bảo tàng loại khỏi vòng chiến.

Cơ quan điều tra mò mẫm khá lâu trong bóng tối. Sau đó, năm 2001, một trong hai tác phẩm của Renoir đã xuất hiện trong một vụ vây ráp ma túy ở Stockholm. 4 năm sau, cảnh sát tìm thấy tác phẩm thứ hai của Renoir.

Mãi đến tháng 9/2005, cảnh sát mới lần ra dấu vết bọn thủ phạm, khi chúng tìm cách bán tác phẩm của Rembrandt. Sau đó ít lâu, bức họa này được tìm thấy ở Kopenhagen. Cả 3 tác phẩm bị cướp năm 2000 trở về Thụy Điển bình an vô sự.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm