Nỗ lực hoàn thiện pháp luật về trẻ em của Việt Nam

31/10/2019 - 17:53
Trong 15 năm qua, trung bình mỗi năm có 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Trong giai đoạn này, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã giảm khoảng 60%.
Ngày 31/10, phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận về “Hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp Việt Nam”.
 
 
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

  

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, trong suốt gần 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để từng bước thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước này nhằm đảm bảo trẻ em được lớn lên trong một môi trường trong lành và an toàn.
 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục tập trung nội lực, kết hợp với huy động sự chung tay, giúp sức của cộng đồng quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trẻ em; hướng tới việc xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện. Cần nâng cao nhận thức, năng lực và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường giám sát thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các vấn đề “nóng” liên quan trẻ em... để tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
 
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

  

Theo Báo cáo phân tích hệ thống pháp luật về tư pháp người thành niên và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật vừa được Bộ Tư pháp công bố, trong 15 năm qua, trung bình mỗi năm có 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Trong giai đoạn này, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã giảm khoảng 60%. Số vụ vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), còn số vụ phạm pháp hình sự của người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (35%). Các hành vi xâm phạm sở hữu là phổ biến nhất (gần 46%) và các loại hành vi đặc biệt nghiêm trọng, như giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, cướp tài sản, cướp giật chiếm tỷ trọng nhỏ.
 
Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF Việt Nam - ghi nhận những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật để tăng cường bảo vệ trẻ em trai và trẻ em gái khỏi mọi hình thức xâm hại. Tuy nhiên, bà nêu ra một số thách thức mà Việt Nam cần khắc phục: Việt Nam cũng cần hoàn thiện các kẽ hở trong hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện quyền cho mọi trẻ em. Cần phải sửa đổi định nghĩa trẻ em trong Luật trẻ em để quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em và đảm bảo rằng trẻ em trong độ tuổi 16-17, nhóm có nguy cơ bị bạo lực và bóc lột nhiều nhất, được hưởng sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ của Luật Trẻ em.
 
 
Ảnh minh họa

 

Đề cập riêng đến thiết chế Tòa gia đình và người chưa thành niên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, thiết chế này đến nay đã được thành lập tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cùng 38 TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng, theo bà Hiền, cần thành lập các bộ phận chuyên trách trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Ngoài ra, cần chú trọng việc lựa chọn các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tăng cường áp dụng biện pháp tư pháp, các hình phạt không phải là hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
 
Các cơ quan hữu quan cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức xã hội trong việc cử các chuyên gia tâm lý - xã hội trợ giúp về mặt tâm lý, xã hội cho người dưới 18 tuổi là nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em khi tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm