Nữ chánh án đầu tiên của Tòa án Tối cao Anh

03/10/2017 - 09:37
Tòa án Tối cao Anh vừa chính thức có nữ chánh án đầu tiên là bà Brenda Marjorie Hale (72 tuổi) - Nữ Bá tước xứ Richmond. Bà nổi tiếng là người đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ.
Những danh hiệu “đầu tiên” trong sự nghiệp
 
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức vào cương vị thẩm phán cao nhất của “xứ sở sương mù”, bà cam kết sẽ “thực hiện công lý với tất cả mọi người dân” và nhấn mạnh đây là một ngày “lịch sử” đối với hệ thống tư pháp Anh cũng như với định chế Tòa án Tối cao mà bà là một trong những người đầu tiên tham gia sáng lập năm 2009.
brenda-marjorie-hale-2.jpg
Bà Brenda Marjorie Hale -

Bà Hale sinh ra trong một gia đình trung lưu tại vùng đất Yorkshire, miền Bắc nước Anh. Cha mẹ bà đều là giáo viên hiệu trưởng. Bà Hale tốt nghiệp trường luật đại học Cambridge năm 1966, là 1 trong 6 sinh viên nữ của một khóa có hơn 100 sinh viên luật.

Bà được nhận vào làm trợ giảng trong trường luật đại học Manchester ngay sau khi tốt nghiệp. Tại Manchester, bà bắt đầu sự nghiệp học thuật pháp lý, chuyên nghiên cứu về luật gia đình và phúc lợi xã hội. Năm 1969, muốn thử thách bản thân cả trong môi trường hành nghề luật khắc nghiệt, bà Hale thi vào luật sư đoàn để trở thành một luật sư tranh tụng. Bà đỗ đầu trong kỳ thi luật sư đoàn năm đó và từ khi ấy vừa làm luật sư tranh tụng bán thời gian, vừa dạy học và nghiên cứu tại trường đại học Manchester.
 
Bà Brenda Marjorie Hale được Chính phủ Anh thông báo trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Anh sau khi nhận được sự phê chuẩn của Nữ hoàng Elisabeth II vào tháng 7. Lần thăng tiến mới nhất này chỉ là một trong nhiều danh hiệu “đầu tiên” mà bà Hale đạt được trong suốt sự nghiệp pháp lý nổi bật của mình.
Năm nay 72 tuổi, bà Hale cũng từng là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Ủy ban Luật pháp năm 1984. Đây là một ủy ban độc lập chuyên thẩm tra, tư vấn, đề xuất cải cách pháp luật cho Nghị viện Anh. Trong vai trò nữ thành viên đầu tiên của Ủy ban Luật pháp, từ năm 1984 đến năm 1993, bà Hale đã đề xuất và vận động cho các cải cách pháp luật tiến bộ, nâng cao việc bảo vệ quyền trẻ em và quyền phụ nữ.
brenda-marjorie-hale-4.jpg
Bà Brenda Marjorie Hale cùng các đồng nghiệp trong Tòa án Tối cao Anh

Cân bằng được cả sự nghiệp hành nghề luật sư, vận động cải tổ luật, và giảng dạy luật, năm 1989 bà Hale được phong danh hiệu Luật sư của Nữ hoàng (Queen’s Counsel). Danh hiệu này chỉ được trao cho những luật sư dày dặn kinh nghiệm với danh tiếng và tư cách đạo đức tốt.  Sau đó bà chính thức gia nhập lực lượng thẩm phán tại Anh năm 1994.

5 năm sau bà trở thành thẩm phán của Tòa Thượng thẩm. Bà cũng là thẩm phán nữ đầu tiên của Tòa án Tối cao Anh chuyên về luật gia đình sau khi định chế này được thành lập vào năm 2009 và đảm nhiệm cương vị phó chánh án tòa án này từ năm 2013 đến khi thay thế ông Neuberger trên cương vị Chánh án.
 
Bà Hale được đánh giá là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi hệ thống tư pháp theo hướng gần gũi và thân thiện hơn với người dân bình thường, nhất là tại một xã hội có tiếng là “bảo thủ” và tôn trọng truyền thống như Vương quốc Anh. Từng ở trên cương vị là Phó Chánh án Tòa Tối cao, bà Hale là người tham gia phán quyết buộc Chính phủ Anh phải thông qua sự phê chuẩn của Quốc hội về việc kích hoạt Điều khoản 50 Hiệp ước Libson đưa được Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit.
 
Bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ
 
Các nỗ lực của bà Hale và các đồng nghiệp tại Ủy ban Luật pháp dẫn đến việc thông qua Đạo luật Trẻ em năm 1989. Đạo luật này lần đầu tiên chính thức đặt lợi ích của trẻ em - từ cái nhìn chủ quan, nhu cầu, và hoàn cảnh cụ thể của chính mỗi đứa trẻ - lên làm một trong các mối quan tâm hàng đầu của hệ thống tòa án trong quá trình xử lý bất kỳ một loại vụ việc nào có liên quan đến quyền lợi trẻ em.
brenda-marjorie-hale-1.jpg
Nụ cười hiền hậu của Nữ Bá tước xứ Richmond

Bà Hale cũng vận động cho việc đưa vào luật pháp Anh khái niệm ly hôn bất luận tội cho phép các cặp vợ chồng ly hôn mà không cần phải chứng minh một trong hai bên đã vi phạm nghĩa vụ hôn nhân. Cải cách này đi ngược lại luật truyền thống ở Anh, vốn quy định rằng nếu không chứng minh được bên còn lại đã vi phạm nghĩa vụ hôn nhân thì bên đòi ly dị phải đợi cho đủ 2 năm sống ly thân đồng thuận hoặc 5 năm sống ly thân không đồng thuận, thì mới được luật cho phép ly dị.

Luôn quyết tâm và không ngại lên tiếng kêu gọi cải cách, bà Hale trở thành cái gai trong mắt nhiều người thuộc giới bảo thủ. Báo chí bảo thủ đã nhiều lần công kích cá nhân bà, cho rằng bà là một nữ thẩm phán thiên vị, “cuồng nữ quyền”, chỉ muốn cải cách luật pháp để phá hoại các nền tảng gia đình truyền thống của Anh quốc.
brenda-marjorie-hale-3.jpg
Chiến binh đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ

 Suốt nhiều năm trong sự nghiệp bà Hale cũng luôn tận dụng nhiều cơ hội để chỉ ra tình trạng bất bình đẳng giới của ngành tòa án Anh, thể hiện rõ nhất qua việc bà là nữ thẩm phán duy nhất của Tối cao tối cao trong suốt nhiều năm. Những số liệu được công bố đầu năm nay cho thấy, tỷ lệ phụ nữ và người thiểu số được bổ nhiệm vào các vị trí trong hệ thống tư pháp Anh vẫn còn rất thấp. Trong đó, phụ nữ mới chỉ chiếm 28% số thẩm phán tại Anh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm