Nữ doanh nhân đưa thương hiệu Việt vươn xa

Thanh Lan
05/12/2023 - 11:16
Nữ doanh nhân đưa thương hiệu Việt vươn xa

Chị Nguyễn Kim Nhiên (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) dùng trái mãng cầu để sản xuất trà

Từ những nguyên liệu quen thuộc của địa phương, các nữ doanh nhân đã sáng tạo thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng, chinh phục người tiêu dùng.

Từ lâu, các sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Quang Vinh đã nổi tiếng nhờ tính thẩm mỹ cao, chất lượng tốt. Đứng đầu doanh nghiệp, nữ doanh nhân Hà Thị Vinh đã liên tục đổi mới trong sản xuất kinh doanh. Công ty của bà là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc nhập lò nung đốt bằng gas công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) để thay thế lò than và sau đó là áp dụng lò nung bằng gas theo công nghệ tiên tiến của Đức. Công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến nguyên liệu theo công nghệ của Nhật Bản, Đan Mạch để chế biến ra nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất sản phẩm gốm sứ cao cấp.

Với câu nói nổi tiếng: "Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị", doanh nhân Hà Thị Vinh không chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, số lượng lớn, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, công ty liên tục đầu tư các công nghệ hiện đại, đổi mới toàn diện dây chuyền sản xuất. Những bộ sản phẩm có tạo hình, hoa văn mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt được vẽ tay như rồng phượng, hoa sen, chim én… đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao, 5 sao.

Nữ doanh nhân đưa thương hiệu Việt vươn xa- Ảnh 1.

Doanh nhân Hà Thị Vinh (phải)

Tại Cần Thơ, một nữ doanh nhân khác cũng đã sáng tạo, tận dụng lợi thế nông sản của địa phương để sáng tạo ra món trà mãng cầu tốt cho sức khỏe. Từ hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Kim Nhiên (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thành lập cơ sở năm 2017 và phát triển thành công ty vào năm 2019. Nữ giám đốc 8x cho biết, đến nay, sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên đã có mặt ở 63 tỉnh/thành, các cửa hàng đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP…

Để tạo được chỗ đứng trên thị trường, chị Kim Nhiên cho biết: Chị sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống kết hợp với hiện đại. Không chỉ chú trọng vào nguồn nguyên liệu sạch, công ty còn thiết lập quy trình sản xuất một chiều khép kín với các thông số kỹ thuật phù hợp cho từng giai đoạn chế biến. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại và hoàn toàn tự động cũng được đầu tư hơn nhằm giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng trong trái mãng cầu xiêm. Song song đó, chị Kim Nhiên còn chú trọng đầu tư bao bì chất lượng cao để sản phẩm trà dù không chứa chất bảo quản và phụ gia mà vẫn giữ nguyên hương vị. Trà mãng cầu Kim Nhiên được chứng nhận OCOP 4 sao.

Nữ doanh nhân đưa thương hiệu Việt vươn xa- Ảnh 2.

Sản phẩm trà mãng cầu sản xuất theo phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại.

Chắp cánh cho hàng Việt vươn xa

Để đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu vùng miền trên khắp đất nước, thời gian qua Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể.

Tại Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP" (tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội), đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 4 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. 

Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (5 điểm)….

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.

10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.

Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm