Phụ nữ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao

Thanh Nga
24/03/2022 - 16:27
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao

Phụ nữ có vai trò tích cực trong công tác phòng chống bệnh lao

"Phụ nữ có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, Hội LHPN có mạng lưới từ trung ương đến địa phương nên nếu phát huy vai trò của phụ nữ trong phòng chống lao thì cuộc chiến chống lao sẽ đem lại kết quả tích cực", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, ngày 24/3, BV Phổi Trung ương phối hợp tổ chức phát động phong trào "Phụ nữ Việt Nam chiến thắng Covid-chấm dứt bệnh lao và nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao". Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020 cho thấy, nước ta có hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, một lực lượng vô cùng quan trọng là phụ nữ. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam đã thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên phụ nữ trong toàn quốc.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam có mạng lưới từ Trung ương đến địa phương. "Sắp tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Việt Nam để tập huấn cho cán bộ phụ nữ cấp tỉnh, huyện và xã; tổ chức các hoạt động lồng ghép với các hoạt động của các cấp Hội phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống lao cho phụ nữ", TS Nhung cho biết.

TS Nguyễn Viết Nhung cũng cho biết, chỉ trong năm 2021, ước tính có khoảng 25.000 người mắc lao tại Việt Nam chưa được phát hiện. Lý do là số lượng người đến khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế trong dịch bệnh giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm đến 50-70% ở nhiều nơi. Hầu hết bệnh viện lao phổi tại các tỉnh, thành được sử dụng cho điều trị bệnh nhân Covid-19…

Theo nhiều chuyên gia, Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2022 của Việt Nam là "Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao". Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 gồm: Giảm thiểu tác động của Covid-19 - tập trung nguồn lực - tăng cường phát hiện bệnh lao; Phải phòng, chống lao như phòng, chống Covid-19; Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao; Đừng ngại Covid mà không đi sàng lọc lao; Gặp ngay bác sĩ khi có triệu chứng nghi lao; Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao…

Hiện Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao. Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao, Bệnh viện Phổi Trung ương và Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng 1400 tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người bệnh lao qua đầu số 1402. Chương trình đã huy động được 43.000 tin nhắn tương đương với 871 triệu đồng.

Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB: Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/3/2022 đến 24h ngày 20/5/2022. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm