Sẵn sàng 200% sức lực cứu người trong thời khắc thiêng liêng

Anh Đào
09/02/2024 - 23:00
Sẵn sàng 200% sức lực cứu người trong thời khắc thiêng liêng

Bệnh nhân vào viện ngày Tết thường nặng và diễn biến rất nhanh nên ghi chép tỉ mỉ từng thông số của ca bệnh, theo dõi chặt chẽ là điều không thể thiếu với các điều dưỡng

Những ngày sát Tết, khi đường sá tấp nập, rộn ràng nào hoa, nào quất, nhạc Xuân từng bừng khắp phố thì tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), xe cấp cứu ra vào không ngớt. Đón Tết đúng ngày là một khái niệm xa vời với các nhân viên y tế, trong đó có điều dưỡng Phí Thị Mai Chi.
Chắt chiu từng giây để cứu người

Trực cấp cứu ngày thường đã áp lực, ngày lễ Tết còn vất vả hơn bởi đa số trường hợp phải nhập viện thời điểm này đều là các ca nặng. Bên trong phòng cấp cứu, các "chiến sĩ blu trắng" đều phải tranh thủ từng giây, từng phút để giữ lại sinh mạng cho bệnh nhân. 

"Thật sự thì thời gian đầu, lòng tôi cũng nặng trĩu. Ngày Tết đáng lẽ ra là thời điểm vui vẻ, nhà nhà bên nhau cùng chào đón năm mới thì ở đây, bên ngoài phòng cấp cứu là thân nhân người bệnh chờ tin với ánh mắt đau đớn. Nhiều người còn không kịp xỏ đôi giày giữa trời rét buốt, cứ thế đi chân đất mà chạy tới phòng cấp cứu khi hay tin người thân bị tai nạn", chị Phí Thị Mai Chi, điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, chia sẻ.

Ở nơi lằn ranh sinh tử mong manh này, không chỉ bác sĩ mà những điều dưỡng viên trong ngày Tết cũng phải quay cuồng với khối lượng công việc khổng lồ. 

Sẵn sàng 200% sức lực cứu người trong thời khắc thiêng liêng- Ảnh 1.

Một ca cấp cứu trong ngày Tết

Chị Mai bộc bạch: "Nhịp làm việc lúc nào cũng tất bật, có khi không nhìn thấy mặt nhau, chỉ nhìn thấy bóng lưng đi vào. Nhiều khi 2-3 giờ sáng, nhân viên y tế cũng chưa ăn gì. Giao thừa, pháo hoa nổ rộn ràng thì trong khu cấp cứu, tiếng còi xe cứu thương dồn dập, tiếng bước chân chạy hối hả, tiết kiệm từng giây để cứu bệnh nhân".

Không quá đông đúc như Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhưng bệnh nhân của Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hầu hết đều nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Vì điều này mà áp lực đè lên đôi vai các điều dưỡng trong những ngày trực Tết cũng không hề ít hơn.

Gần 20 năm gắn bó với công việc điều dưỡng, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) không nhớ được mình đã bao nhiêu lần đón giao thừa tại phòng trực cấp cứu. Chị Nhàn cho biết, mỗi thành viên trong ca trực luôn ở trạng thái sẵn sàng 200% sức lực, tinh thần. 

Sẵn sàng 200% sức lực cứu người trong thời khắc thiêng liêng- Ảnh 2.

Cùng với các bác sĩ, các nữ điều dưỡng cũng tiết kiệm từng giây để giành giật sự sống cho bệnh nhân

"Có những năm, ngày 30 Tết rồi, tất cả anh chị em trong ca trực đều thấm mệt nhưng bệnh nhân rơi vào tình trạng rất nặng, một đêm làm ép tim, sốc điện không biết bao nhiêu lần. Khoảnh khắc giao thừa trôi qua trong tâm trạng nặng trĩu nhưng đến khoảng 3-4 giờ sáng, sau bao nỗ lực, huyết áp bệnh nhân đã tăng trở lại, các chỉ số tốt lên. Tất cả thành viên trong ca trực cảm giác vỡ òa. Chỉ cần mình không buông tay thì phép màu sẽ đến".

Đặc thù của bệnh nhân tim mạch thường diễn biến rất nhanh nên không kể lễ Tết, đêm muộn, dù là thời gian nào cũng đòi hỏi các điều dưỡng phải có sự theo dõi kỹ lưỡng, sát sao từng diễn biến của người bệnh. 

"Ngày Tết, ai cũng muốn được sum vầy với người thân chứ chẳng ai lại muốn phải nằm trong bệnh viện. Thế nên chúng tôi càng cố gắng động viên nhau, động viên người bệnh, cùng cầu mong cho một năm mới an vui hơn", chị Nhàn chia sẻ.

Tết gói gọn trong hai chữ "bình yên"

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Phương, Khoa Hồi Sức tim mạch, tuy mới vào nghề hơn 3 năm nhưng cô cũng đã trải qua 2 cái Tết trực cấp cứu tại bệnh viện. 

Sẵn sàng 200% sức lực cứu người trong thời khắc thiêng liêng- Ảnh 3.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương (Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chăm sóc bệnh nhân trong ca trực của mình

Đó cũng là những khoảnh khắc đáng nhớ đối với cô điều dưỡng trẻ này: "Tết hầu như số lượng bệnh nhân đông, diễn biến bệnh phức tạp. Có hôm bệnh nhân diễn biến nhanh, ca này ngừng tim, ca kia cũng ngừng tim, cấp cứu phải thực hiện ép tim liên tục. 

Bệnh nhân như ngọn đèn trước gió, sự sống lúc ấy mong manh lắm. Nếu mình giành giật được với tử thần thì đó là chiến thắng của cả khoa chứ không của riêng ai. Chúng tôi không ước mong gì hơn, chỉ ước mong những ngày Tết trôi qua trong bình yên mà không có tiếng chuông cấp cứu reo lên".

Làm điều dưỡng vốn đã vất vả, làm điều dưỡng của khoa hồi sức, cấp cứu vất vả còn nhân lên bội phần. Thế nhưng điều dưỡng Nguyễn Thị Phương và các đồng nghiệp luôn xem đó như là sứ mệnh của mình: "Lắm lúc cấp cứu phải rất sốc vác, lúc ấy mỗi người một việc, sẵn sàng trong mọi tình huống. Khi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện mới thấy công việc của mình thật sự ý nghĩa. Trong những ngày bình thường, việc cứu người đã vui rồi còn trong thời khắc đón năm mới lại càng thiêng liêng hơn".

Rất nhiều người bệnh đã được cứu sống kịp thời không chỉ nhờ vào can thiệp, chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ mà còn là sự tận tâm của các nữ điều dưỡng. Tết với mỗi người là quất, là đào, là những bữa cơm sum vầy bên người thân, bên gia đình, còn với những "bóng hồng" nơi lằn ranh sinh tử, Tết với họ chỉ trọn vẹn trong hai chữ - Bình Yên.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm