Mới đây, một cô gái 15 tuổi đã mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu đã phải cách ly. Không những thế, 14 người đã tiếp xúc gần với cô gái này cùng phải cách ly. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.
Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tuỷ cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt hoặc viêm mũi họng. “Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5%-10%”, ông Phu nói.
Cũng theo ông Phu, tác nhân gây bệnh viêm màng não do não mô cầu là Neisseria meningitidis. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A và B là hay gặp nhất. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như W-135, X, Y và Z…
Tại Việt Nam, bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều địa phương, nhưng thường gặp nhất ở các tỉnh miền núi và xuất hiện tản mát quanh năm. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.
Ông Phu cũng cho biết, thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày. Phương thức lây truyền của bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm.
Thời kỳ lây truyền của bệnh tuỳ thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể, vi khuẩn không tồn tại lâu. Thuốc Penicillin có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn não mô cầu nhưng không diệt được vi khuẩn ở mũi họng.
Để phòng bệnh, cơ quan chức năng cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm màng não do não mô cầu cho nhân dân biết để phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành y tế thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng; thực hiện vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch; tại nơi có ổ dịch cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi.
Hiện nay, đã có vaccine polysaccharide của nhóm A, C, Y, W135 phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đây là vaccine an toàn và miễn dịch cao nhưng rất đắt.
Khi trong cộng đồng có người bị bệnh, bệnh nhân phải được cách ly đường hô hấp trong 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh; ngăn chặn sự thăm hỏi bệnh nhân, hạn chế hội họp, tụ tập đông người; hạn chế sự đi lại giữa nơi có dịch với nơi khác; đặt các trạm kiểm soát ra vào vùng dịch và cho uống hoá dược dự phòng; quản lý người lành mang khuẩn, người tiếp xúc; xử lý môi trường sạch sạch,…