Tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn làm ăn

Minh Anh
19/07/2023 - 19:04
Tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn làm ăn

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

"Để phục hồi và thúc đẩy kinh tế Việt Nam trước những thách thức, cần có cơ chế và cải cách chính sách phù hợp" là ý kiến chung của các đại biểu có mặt tại diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp sáng 19/7.

Khó khăn, thách thức nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt

Nhận định về những thách thức, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ thế giới và cả nội tại. Sự tụt giảm của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.

Tình hình đó dẫn đến những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải, đó là sự giảm sụt đơn hàng, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, nhôm công nghiệp, sắt tháp, xi măng…Xu hướng này ngày càng gia tăng khi các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam đã khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt…

Tính chung 6 tháng đầu, kim ngạch xuất khẩu giảm 12,1% và nhập khẩu giảm 18,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu giảm là do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng cho rằng, tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp còn xuất phát từ nội tại, đó là từ thể chế, chính sách, các điều kiện kinh doanh còn có những rào cản khó vượt.

Cải cách thể chế là yếu tố tiên quyết cho sự thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Long phát biểu tại diễn đàn

Mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp

Tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: "Để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có các chính sách mang tính căn cơ, lâu dài".

Bà Minh đưa ra một số đề xuất cụ thể:

Thứ nhất, Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất, bền vững nhất, như là về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...

Thứ hai, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, chất lượng tư vấn cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với thời đại mới. Vì tháo gỡ khó khăn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới và nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông nhấn mạnh sự cần thiết trong thực hiện cải cách thể chế, đặc biệt, về việc thể chế không chỉ tạo ra thủ tục hành chính mà còn phần nào tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phi tuân thủ lớn.

Vì vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, cần tập trung kiểm soát các quy định mới làm gia tăng thêm chi phí, nếu chưa thực sự cấp bách thì không cần ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian ổn định và chuẩn bị phương án tuân thủ, đảm bảo đúng pháp luật.

Đề cập đến chủ đề chuyển đổi số, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng giám đốc FPT Digital, chia sẻ, chuyển đổi số ở mỗi doanh nghiệp có các mức độ khác nhau, một số doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều vấn đề. Ông mong đợi Chính phủ sẽ ban hành khung chuyển đổi cũng như là hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có nguồn lực tài trợ để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận chuyển đổi số hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm