Tạo vòng đời mới cho vỏ hộp sữa

An Khê
28/03/2024 - 06:25
Tạo vòng đời mới cho vỏ hộp sữa

Các thành viên của nhóm Nghi Sơn Xanh thu gom vỏ hộp sữa từ trường học

Từ những vỏ hộp sữa bỏ đi, 6 kỹ sư, công nhân của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã tái chế thành những món đồ như thẻ đồ chơi, bàn ghế, móc treo quần áo, thậm chí là vở viết…

Hành trình tạo vòng đời mới cho những vỏ hộp sữa bắt đầu vào thời điểm dịch Covid-19, khi cách ly tại nhà, anh Thang Việt Hưng, một nhân viên làm việc tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đã tìm hiểu các câu chuyện về rác thải và tái chế. Anh nhận thấy vỏ hộp sữa được thải ra môi trường rất nhiều. Khi đem ý tưởng tái chế vỏ hộp sữa chia sẻ với đồng nghiệp là anh Duy Thành, một người từng làm việc trong nhà máy sữa, anh Hưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. 

"Bản thân cũng muốn hướng các con sống xanh nên anh Thành đã nảy ra ý nghĩ làm chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại công ty. Hai anh em cùng có ý tưởng giống nhau nên chúng tôi thành lập nhóm Nghi Sơn Xanh", anh Hưng cho biết.

Bị thuyết phục bởi ý nghĩa của việc thu gom vỏ hộp sữa để tái chế, bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải ra môi trường, nhiều nhân viên trong nhà máy đã tham gia nhóm. Những hoạt động của nhóm bắt đầu từ các trường mầm non trong khu vực thị xã Nghi Sơn và xã Hải Yến, xung quanh khu nhà ở của cán bộ nhà máy. 

Anh Hưng cho biết: "Nhóm đã liên hệ với các hiệu trưởng, người quản lý các trường mầm non để tuyên truyền, phổ biến chương trình, cách thức xử lý vỏ hộp sữa cho các bé sau khi uống. Sau đó, các cô tập trung vỏ hộp sữa lại, cho vào các chú "cá voi xanh" - là các bao bì to đựng vỏ hộp sữa đã hết và đợi nhóm đến lấy. Thông thường, nhóm sẽ đến các trường thu gom vỏ hộp vài lần trong tháng".

Sau khi thu được các "chú cá voi" đựng đầy vỏ hộp, nhóm liên hệ với xe bus của Công ty có chuyến về Hà Nội chiều thứ 6 hàng tuần để chở vỏ hộp về Hà Nội. Nhóm Nghi Sơn Xanh đang hợp tác cùng Công ty LaGom, đơn vị chuyên thu gom, tái chế vỏ hộp sữa và các thành viên ở LaGom sẽ đến đưa về nhà máy ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau đó, vỏ hộp sữa được tái chế thành vở viết, bộ thẻ đồ chơi, bàn ghế, móc treo quần áo cùng nhiều vật dụng hữu ích khác.

Các thành viên của nhóm Nghi Sơn Xanh thu gom vỏ hộp sữa từ trường học

Các thành viên của nhóm Nghi Sơn Xanh thu gom vỏ hộp sữa từ trường học

Cũng từ chương trình, nhóm đã xây dựng được một đội ngũ thiếu nhi tích cực thu gom vỏ hộp. Các bạn nhỏ không chỉ thu gom ở lớp mà còn tại nhà, hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng thực hiện rồi mang đến trường nộp. "Với các trường mầm non, đây là một bài học để các cô có thể giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các bộ thẻ đồ chơi tái chế cũng là một công cụ học tập cho các cháu", anh Hưng chia sẻ.

Nhận thấy ý nghĩa của việc làm này, các thành viên nhóm đã dành nhiều thời gian hơn để thu gom vỏ hộp sữa và lên kế hoạch các chương trình sao cho hiệu quả hơn. Mặc dù công việc tại nhà máy khá bận rộn nhưng các thành viên vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để thu gom và tuyên truyền về chương trình. Nhóm đang lên kế hoạch và chuẩn bị tài liệu tuyên truyền, bố trí các thành viên đến từng trường học để chia sẻ với các em nhỏ về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thu gom vỏ hộp an toàn, vệ sinh và hiệu quả.

Hiện tại, Nghi Sơn Xanh đang triển khai chương trình thu gom vỏ hộp tái chế tại 7 điểm trường mầm non. Sắp tới, nhóm sẽ mở rộng đến các trường tiểu học trên địa bàn huyện Nghi Sơn nhằm triển khai một chương trình nâng cao kiến thức phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa và vỏ hộp sữa. 

"Từ các trường tiểu học, nhóm hy vọng có thể kết nối với các cơ quan đoàn thể của thị xã để nhân rộng đến các trường học khác, các khu dân cư. Chúng tôi hy vọng, chương trình sẽ góp phần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn cho mọi người", anh Hưng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm