Thách thức trong chăm sóc toàn diện trẻ dưới 8 tuổi

06/03/2018 - 17:49
Ở Việt Nam, gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi… Do đó, các ngành, các cấp cần chăm sóc trẻ thơ tốt hơn, hướng đến phát triển toàn diện.
Ngày 6/3, Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về Phát triển toàn diện trẻ em (PTTDTE) nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về tầm quan trọng của PTTDTE trong hoạt động của cơ quan dân cử.
phat-trien-tre-em-toan-dien-3a.jpg
Từ trái sang phải: Bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam; bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhấn mạnh: “Xây dựng một chương trình quốc gia về Phát triển toàn diện trẻ em là hết sức quan trọng. Điều quan trọng không kém là đảm bảo chương trình này đi vào cuộc sống. Việc thực hiện hiệu quả chương trình PTTDTE cần sự quan tâm và vào cuộc của các đại biểu dân cử trong việc tăng cường công tác giám sát nhằm bảo đảm chương trình được phân bổ đầy đủ ngân sách, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, và được nhân rộng trên toàn quốc”.
 
PTTDTE đề cập tới hướng tiếp cận phát triển và chăm sóc toàn diện cho trẻ em từ 0-8 tuổi, giúp trẻ và gia đình tiếp cận được với các dịch vụ một cách toàn diện. Việc tích hợp các dịch vụ là nhằm tối đa hóa các can thiệp đối với trẻ trong giai đoạn đầu đời tại gia đình và cộng đồng. PTTDTE là trách nhiệm chung của cha mẹ, người chăm sóc, gia đình và các nhà cung cấp dịch vụ từ nhiều lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em và nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Nghiên cứu quốc tế cho thấy khả năng nhận thức của trẻ được tác động bởi môi trường và dinh dưỡng của người mẹ ngay từ khi còn trong bào thai. Những trẻ em được nuôi dưỡng tốt, được tương tác sớm và sống trong môi trường an toàn và thuận lợi trong những năm đầu đời sẽ có nhiều khả năng phát triển được tiềm năng tối ưu của mình.
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển nhận thức và cảm xúc của mọi trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 8 tuổi. Tỷ lệ tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi, vủng sâu, vùng xa vẫn còn cao gấp 2 -3 lần so với khu vực đồng bằng, nông thôn và thành thị.
phat-trien-tre-em-toan-dien-2.jpg
Cần chăm sóc trẻ em toàn diện hơn


Gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khoảng 72% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 9,4% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính quy. Mỗi năm vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

phat-trien-tre-em-toan-dien-1a.jpg
Bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo


Bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định: “Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách Phát triển toàn diện trẻ em, kết nối các ban ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách. Nếu không có cam kết mạnh mẽ của các bên có liên quan trong việc ưu tiên đầu tư và thực hiện phát triển trẻ em toàn diện thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho hậu quả của nó cả trước mắt và lâu dài, từ sức khỏe, thể chất không bảo đảm ảnh hưởng đến tầm vóc, chất lượng giống nòi; chất lượng học tập không tốt tới thu nhập thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội… Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của quốc gia”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm