Thanh tra chỉ ra sai phạm của loạt ngân hàng: Cho vay khi chưa đủ điều kiện, VietABank dính nợ xấu tiền tỷ

Nguyễn Long
08/08/2023 - 19:05
Thanh tra chỉ ra sai phạm của loạt ngân hàng: Cho vay khi chưa đủ điều kiện, VietABank dính nợ xấu tiền tỷ

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm của VietABank về tín dụng giai đoạn 2013 - 2017.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cấp tín dụng cho một loạt doanh nghiệp bất động sản khi chưa đủ điều kiện vay vốn với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, nhiều khoản tín dụng đã phải chuyển vào nhóm nợ xấu.

Thông báo kết luận thanh tra số 1361 ngày 15/6/2023 của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017 đã chỉ ra những dấu hiệu vi phạm của một số ngân hàng thương mại.

Cấp tín dụng cho hàng loạt doanh nghiệp khi chưa đủ tính pháp lý

Theo Thanh tra Chính phủ, hàng loạt hợp đồng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp của VietABank có vi phạm các quy định của pháp luật.

Cụ thể, VietABank đã cấp tín dụng cho một loạt doanh nghiệp bất động sản gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC, Công ty TNHH hợp tác Thương mại Nam Bình, Công ty TNHH đầu tư đô thị An Phú… Tổng số vốn tín dụng cấp cho 14 doanh nghiệp của VietABank là 6.510 tỷ đồng.

"VietABank phê duyệt cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay khi Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có giấy phép quy hoạch, quyết định chấp nhận chủ trương đâu tư, quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng) chưa đúng theo quy định tại Điều 7 "Điều kiện vay vốn" Quyết định số 1627 của Ngân hành Nhà nước năm 2001. Công ty HSTC không đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định của Luật Đất đai", kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình tại thời điểm phê duyệt cấp tín dụng chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện huy động vốn).

Những hợp đồng tín dụng còn lại vi phạm những lỗi tương tự khi VietABank cấp vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.

Nợ xấu tăng, khả năng mất vốn cao với các dự án chậm tiến độ

Ngày 31/12/2015, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland đã ký Hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL với VietABank - Chi nhánh Hà Nội (có địa chỉ tại số 34B Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tài sản bảo đảm Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải (địa chỉ tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), gọi tắt là dự án Địa Trung Hải do Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư, bao gồm: Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng từ "Dự án Địa Trung Hải"; các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phải thu mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển "Dự án Địa Trung Hải"; quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn, hợp đồng kinh doanh, hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật được chủ đầu tư giao kết hợp pháp theo quy định của pháp luật của dự án Địa Trung Hải".

Dự án Địa Trung Hải, đã được Thanh tra Chính phủ "điểm danh" tại Kết luận số 2123 (ngày 1/12/2022) Thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland chưa thực hiện nộp đầy đủ số tiền ký quỹ theo cam kết đầu tư ký ngày 13/7/2011 với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  (mới nộp 3,3 tỉ đồng/ 8 tỉ đồng), chưa đảm bảo đúng thời hạn nộp theo cam kết.

Việc xác định 20.638 m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là loại đất ở trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 1/6/2017 là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Tổng thời gian dự án được gia hạn tiến độ qua 2 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là 87 tháng, gấp 3,6 lần tổng thời gian giãn tiến độ quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014…"

Như vậy, dự án được VietABank cấp tín dụng đang chậm tiến độ và nguy cơ mất vốn.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay của VietABank là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng) chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả bán nợ cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2% tương ứng 3.504 tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ: VietABank phân loại nợ chưa đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1. Điều này không đúng quy định tại Thông tư 02 (năm 2013) và Thông tư 09 (năm 2014) của Ngân hàng Nhà nước.

2 khách hàng của VietABank được cấp tín dụng khi chưa đủ các yếu tố pháp lý đang còn dư nợ (thời điểm 10/10/2021) là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, dư nợ 500 tỷ đồng, nợ nhóm 5 và Công ty CP Đầu tư PHD, dư nợ 483 tỷ đồng, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm