Tích lũy tiền từ cơ sở kinh doanh nhỏ

13/11/2016 - 10:00
Với không ít người, kinh doanh nhỏ (mở quán nước, bán tạp hóa, bán một số loại vật dụng cho từng nhóm đối tượng riêng biệt…) được lựa chọn như một “nghề tay trái” nhằm cải thiện thu nhập. Song, một trong những vấn đề thường gặp phải là khó tích lũy tiền.
bcth-43.jpg
Tuy nhiên, nếu như biết cách tính toán, quản lý và tích lũy thì những cơ sở kinh doanh như thế này vẫn có thể mang lại khoản thu nhập bằng hoặc thậm chí nhiều hơn tiền lương hàng tháng của 1 người lao động bình thường. Ví dụ, nếu bạn là chủ 1 quán cà phê tại nhà, chỉ cần trung bình mỗi ngày bán được khoảng 30 ly, giá mỗi ly từ 10.000 đến 15.000 đồng, thì sau khi trừ hết các khoản chi phí, bạn vẫn có thể kiểm được thêm 4-6 triệu đồng/tháng. Hoặc với 1 cửa hiệu bán đồ dùng cho trẻ em, nếu mỗi ngày bán được trên dưới chục món hàng thì bạn vẫn có thể kiếm thêm khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nếu tính theo ngày thì doanh thu của mỗi ngày chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng (với mô hình quán cà phê nhỏ) hay trên dưới 500.000 đồng (với cửa hàng bán các loại vật dụng thiết yếu). Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì rất có thể bạn sẽ dễ dàng sử dụng khoản tiền này để trang trải những nhu cầu hàng ngày của gia đình. Như vậy đến cuối tháng, bạn chẳng những không có tích lũy mà thậm chí còn có thể bị “âm” vào vốn.

Một sự tai hại là khi không “nhìn thấy” lợi nhuận được tích lũy thì người kinh doanh sẽ sinh tâm lý chán nản, cho rằng mình thất bại và viễn cảnh “dẹp tiệm” sau một thời gian ngắn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là chưa nói tới khả năng, khi không biết “chắt bóp” từng đồng doanh thu, thì nguy cơ bị lỗ vốn là rất cao, có thể bị “cụt vốn”, không có tiền để tái đầu tư chỉ sau vài tháng.

Do đó, cần biết cách quản lý để đảm bảo không chỉ có khoản tích lũy để bổ sung ngân quỹ gia đình, mà còn khiến cho đồng tiền có thể “sinh sôi nảy nở”, tạo cơ sở để phát triển kinh doanh, về lâu dài.

Theo những người có kinh nghiệm, nguyên tắc cơ bản nhất là cần “lọc” ra cho được phần “lợi nhuận ròng” - tức khoản tiền còn lại sau khi trừ các chi phí. Muốn vậy, phải ước tính một cách tương đối chính xác về tỉ suất lợi nhuận đối với ngành hàng mình kinh doanh. Từ đó, đối với khoản doanh thu hàng ngày, cần tách ra làm 2 phần riêng biệt, bao gồm phần tiền vốn dùng để tái đầu tư và phần lợi nhuận.

Tuyệt đối không được “đụng chạm” đến phần tiền vốn dùng để tái đầu tư. Nếu trường hợp “quá bí” cần sử dụng đến thì phải lấy ra dưới hình thức là “mượn tạm”, phải ghi rõ ràng “khoản nợ” này và có kế hoạch “trả nợ” trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch “tăng vốn” tùy theo khả năng thực tế. Ví dụ, vào đầu năm nếu phần tiền vốn này là 10 triệu đồng, thì đến giữa năm có thể tăng lên 12 triệu, đến cuối năm là 15 triệu đồng. Điều này là cần thiết, một mặt nó phù hợp với quy luật lạm phát của thị trường (có thể các mặt hàng buôn bán cũng tăng giá ở mức tương ứng), mặt khác tạo điều kiện để phát triển quy mô kinh doanh.

Với khoản tiền lợi nhuận, tốt nhất là không nên chi xài cho các nhu cầu hàng ngày, mà nhập vào phần thu nhập chung của gia đình để chi tiêu theo kế hoạch đã được hoạch định sẵn từ trước. Cũng tương tự như với khoản tiền để tái đầu tư, nếu có nhu cầu chi tiêu đột xuất thì phải “mượn tạm” và cũng cần “trả nợ” để tránh nguy cơ mất kiểm soát về tài chính gia đình.

Nói chung, muốn đảm bảo kinh doanh có hiệu quả thì phải hết sức nghiêm ngặt trong việc quản lý thu chi đối với hình thức kinh doanh nhỏ này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm