Tìm lại lối sống có trách nhiệm của người làm cha mẹ

Đinh Thu Hiền
18/06/2020 - 14:54
Tìm lại lối sống có trách nhiệm của người làm cha mẹ
Em bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga, cháu bé 19 tháng tuổi bị người nhà bỏ quên khi chơi trong xe hơi dưới trời nắng nóng… là những câu chuyện quá đau lòng. Chúng ta khó có thể lý giải được vì sao người mẹ lại bỏ rơi con mình một cách nhẫn tâm đến vậy. Vì sao cha mẹ và người thân lại có thể quên bẵng sự có mặt của đứa trẻ? Người lớn có thể tha thứ được cho người lớn, hay không?

Người mẹ không có quyền tước bỏ mạng sống của con mình

Vào ngày 8/6/2020, người dân tại khu vực xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga bỏ hoang. Bé còn nguyên dây rốn trong tình trạng không mảnh vải che thân và bị kiến, dòi bu đầy mặt, mũi, miệng, tai và cuống rốn.

Tìm lại lối sống có trách nhiệm của người làm cha mẹ - Ảnh 1.

Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Đa khoa Xanh Pôn, chăm sóc cho bệnh nhi

Ngay sau đó, bé được đưa tới bệnh viện cấp cứu với tình trạng tổn thương da khắp người, tổn thương rốn và mắt do bị côn trùng xâm nhập, nguy hiểm nhất là bị nhiễm trùng sơ sinh. Tỉ lệ tử vong khi bị nhiễm trùng sơ sinh là rất cao. Hiện tại, sức khoẻ của bé ổn định, không đe dọa tính mạng. Khoa sơ sinh Bệnh viện Xanh Pôn đang xử lý vết thương và nuôi dưỡng bé hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Các y bác sĩ nhận định cháu bé có một "sức sống mãnh liệt". Mặc dù trong tình trạng kiệt sức sau khoảng 3 ngày bị bỏ rơi, không được ăn uống nhưng bé đã sống sót kỳ diệu dưới cái nắng 40 độ C.

Chúng ta khó có thể lý giải được vì sao người mẹ lại bỏ rơi con một cách nhẫn tâm đến mức vậy. Tại cơ quan Công an, mẹ cháu bé, P.T.T (thường trú tại Hà Nam, khai nhận, ngày 6/6 đã đi xe buýt tới thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chơi. Vào khoảng 23h, T. thấy vỡ nước ối, nên một mình ra ruộng rau tự sinh con. Sau đó, vì nghĩ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu ở thôn Thanh Tiến (xã Thanh Mỹ) vứt bỏ. Sau đó, T. xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm TP. Hà Nội.

Với bất cứ người phụ nữ nào đã mang bầu và trải qua lần vượt cạn thì chỉ cần con cái bị xước xát chút móng tay cũng đã có thể đau đớn, xót xa. Người làm mẹ, dù thất học, thất nghiệp hay đầy đủ nhận thức và vật chất, đều bình đẳng trong việc yêu thương và bảo bọc con cái. Tình mẹ không phân biệt bởi bất cứ định chế hay lề thói nào. Vậy nên, nếu như cô gái nào đó đã lỡ mang bầu, hoặc vì ẩn ức cá nhân nào đó, mà số phận cho đón nhận 1 sinh linh chào đời, cũng vẫn luôn yêu thương đứa con của mình. Thậm chí, rất nhiều bà mẹ trẻ còn dồn hết tình thương cho con. Trong trường hợp quá khắc nghiệt không nuôi nổi con, thì còn có nhiều nơi có thể gửi gắm, để đứa trẻ vẫn tiếp tục sự sống.

Ở đây, chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận các vấn đề thuộc về tình cảm và pháp lý. Người mẹ có quyền sinh ra con, quyền nuôi dưỡng hoặc từ chối quyền nuôi dưỡng nhưng hoàn toàn không có quyền tước bỏ mạng sống của con mình. Việc này không được coi như một cách giải quyết, giải thoát tình thế. Chính vì vậy, ngoài chuyện xây dựng nền tảng đạo đức, còn phải có các chế tài được quy định trong pháp luật để bảo vệ cuộc sống tốt nhất cho trẻ em.

Ai sẽ tha thứ cho cha mẹ?

Chắc chắn cha mẹ trước hết không tha thứ cho bản thân, đó là lý lẽ đầu tiên mà chúng ta đề cập. Sự việc xảy ra ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, khi bé trai 19 tháng tuổi bị người thân bỏ quên trên xe ô tô. Theo thông tin được truyền thông đăng tải, vào khoảng 12h ngày 8/6/2020, bé trai đang chơi trên xe ô tô thì bố mẹ khóa cửa lại bằng điều khiển và đi làm việc khác. Xe ô tô lúc đó không nổ máy và để dưới ánh nắng ngoài trời hơn 40 độ C. Hai tiếng sau, gia đình không thấy bé, đi kiếm con thì phát hiện cháu bé đã bị hôn mê, vệ sinh không tự chủ và sốt cao. Rất may, hiện nay sức khỏe của cháu đã bình phục, không có di chứng và nguy hại tới sức khỏe.

Tìm lại lối sống có trách nhiệm của người làm cha mẹ - Ảnh 3.

P.T.T. tại cơ quan Công an

Dư luận lên án sự vô tâm của phụ huynh và người thân của cháu bé, khi với độ tuổi còn rất nhỏ, bé đã không nhận được sự giám sát, chăm sóc đầy đủ của người lớn. Với lứa tuổi đó, trẻ ở đâu thì người chăm sóc ở kế bên, không rời nửa bước. Vì sao lại có thể quên bẵng sự có mặt của đứa trẻ, khi cha mẹ em không hề quên việc khóa cửa xe hơi!? Người lớn có thể tha thứ được cho người lớn, hay không?

Thực tế hiện nay, do nhiều yếu tố nên tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng. Hàng chục ngàn vợ chồng hiếm muộn từng ngày mong ngóng, tìm mọi cách cứu chữa để có thể được làm cha mẹ. Ấy vậy mà, có người mẹ lại nhẫn tâm bỏ con, thậm chí bỏ ở nơi để không ai biết. Với vụ việc của cháu bé bị bỏ rơi ở hố ga, có phải người mẹ ấy dù đã 30 tuổi mà vẫn chưa đủ kiến thức để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn? Chưa đủ sự vững vàng khi quyết định giữ lại đứa con mình sinh ra và chăm sóc cho con? Chưa đủ sự nhân hậu và yêu thương với chính con đẻ của mình hay vì một lý do nào khác? Nhưng dù là lý do gì thì cũng không thể biện minh cho hành động vô nhân tính của mình. Có thể, tòa án lương tâm sẽ còn đeo đẳng người mẹ này suốt đời”.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giảng viên trường Đại học Công đoàn

Là việc rất bình thường và nên làm, khi ở lứa tuổi sinh sản, phụ nữ cần đi học các khóa học về quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai chủ động, cùng các lớp tiền hôn nhân. Tình mẫu tử vốn nằm sẵn trong tiềm thức và tế bào của người phụ nữ, tuy nhiên, vẫn có những người chưa nhận thức được hết trách nhiệm làm mẹ của mình. Kỹ năng vượt qua nghịch cảnh cần được bổ sung với phụ nữ trẻ bằng việc đọc, nhìn thấy và thẩm thấu. Kinh nghiệm sống và học hỏi các trường hợp tương tự tích cực sẽ là 1 lối thoát cho những phụ nữ trẻ sinh con ngoài ý muốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm