Trưởng phòng tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng lao động?

31/03/2017 - 17:57
Hợp đồng đã thực hiện hơn 1 năm thì bị trưởng phòng tổ chức yêu cầu bàn giao công việc trong 7 ngày vì hợp đồng ký trước đây là trái thẩm quyền.

Hỏi: Tôi đã làm việc cho công ty được hơn 1 năm. Nay Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính công ty gọi tôi lên và nói rằng hợp đồng lao động trước đây giữa Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính và tôi ký là vô hiệu, do ông ấy không được Tổng Giám đốc ủy quyền. Trưởng phòng yêu cầu tôi bàn giao công việc cho người khác trong thời hạn 7 ngày. Tôi rất sốc vì cứ nghĩ rằng trưởng phòng tổ chức là người quản lý nhân sự có quyền ký hợp đồng là đúng pháp luật. Tôi cần phải làm gì để đòi quyền lợi của mình? 

Nguyễn Thị Hoài (Khánh Hòa)

hop-dong-lao-dong.jpg

Trả lời:

Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hợp đồng lao động vô hiệu: “1-Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật; b) Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền; c) Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm; d) Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.”

Vì thế, có thể khẳng định, nếu Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính ký mà không được Tổng Giám đốc ủy quyền là vô hiệu toàn bộ do người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu không phải là trưởng phòng tổ chức của công ty mà là thuộc về Thanh tra lao động, Toà án nhân dân (Điều 51 BLLĐ). Vì vậy, chị có quyền làm đơn lên cơ quan chức năng để xem xét giải quyết đề nghị tuyên hợp đồng lao động vô hiệu và giải quyết các hậu quả pháp lý của hợp đồng này theo đúng quy định pháp luật. Khoản 2 Điều 52 BLLĐ quy định:

“2- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì xử lý như sau: a) Trong trường hợp do ký sai thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 của Bộ luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động hướng dẫn các bên ký lại; b) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật.”

Qua vụ việc này, chị cần rút kinh nghiệm khi ký kết hợp đồng phải ký kết với người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản, đồng thời phải xem xét kỹ các nội dung hợp đồng để tránh những tranh chấp phát sinh sau này. Nếu không tự mình xem xét được các điều khoản của hợp đồng lao động, chị có thể nhờ hoặc thuê những người hiểu biết về pháp luật lao động tư vấn cho mình.

Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy)

Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
lo-go-cty-ha-huy.jpg

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm