Trụy mạch khi tiêu chảy kéo dài

14/04/2018 - 07:27
Người lớn và trẻ nhỏ đều dễ bị tiêu chảy do nhiễm siêu vi, nhiễm trùng. Nếu chủ quan, chứng bệnh này có thể gây mệt mỏi và thậm chí khiến trụy mạch, nguy hiểm tới tính mạng.
Cần bù điện giải ngay

Bác sĩ Nguyễn Công Viên, Phòng khám 2 Viện Tim (CMI - Hiệp hội Alain Carpentier TPHCM) kể: Mới đây có nữ bệnh nhân tới khám trong tình trạng sắc diện cực kỳ mệt mỏi: “Môi cô ấy khô, mắt trũng sâu. Cô ấy kể rằng vì đi du lịch ăn uống không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm nên bị mắc tiêu chảy.
1bv_to-trai.jpg
Người lớn và trẻ nhỏ đều dễ bị tiêu chảy do nhiễm siêu vi, nhiễm trùng.

Dù đã uống kháng sinh, các thuốc cầm như Imodium, Smecta… nhưng lại không uống nước bù điện giải nên bụng chướng to và người muốn lả đi. Có rất nhiều người đã sai lầm như vậy khi tự chữa tiêu chảy”.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Viên, có những loại thuốc được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) coi là không hiệu quả hoặc chỉ che giấu triệu chứng tạm thời như Smecta, Imodium (Loperamide). Dù có uống các loại thuốc này thì người bệnh vẫn bị mất nước. Nước giữ trong bụng nên bụng bị chướng, rất khó chịu. Các loại thuốc để “cầm” tạm thời này chỉ có thể che giấu triệu chứng, trong khi tình trạng mất nước vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, các loại thuốc đó sẽ giảm nhu động ruột hoặc làm liệt ruột, khiến giảm số lần tiêu chảy, giảm cảm giác đau bụng. Việc này cũng có lợi khi bệnh nhân đang đi du lịch, đi công tác, di chuyển trên đường.

Song, chỉ vậy thì chưa đủ bởi cơ thể vẫn bị mất nước trong lòng ruột. Khi cơ thể thiếu nước và muối thì sẽ bị mỏi mệt, bệnh kéo dài, rồi lại mỏi mệt. Cứ lòng vòng như vậy cho tới khi bệnh trở nặng.

Bác sĩ Viên khẳng định, dù cho có dùng các thuốc “cầm” tạm thời thì vẫn phải bù điện giải ngay. Lời khuyên của bác sĩ Viên là nếu di chuyển trên đường thì nên uống thuốc cầm, còn nếu ở nhà thì không nên. Bệnh nhân cần bổ sung nước điện giải, các loại men vi sinh hoặc sử dụng Racecadotril (1 hoạt chất được y học chứng cớ xác nhận có hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian tiêu chảy).

“Chúng tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ nhỏ bị tiêu chảy nặng. Có bé mắc bệnh kéo dài nên khi vào cấp cứu bị trụy mạch, phải mở 2-3 ven để truyền nước ào ạt mới có thể cứu sống. Giá như gia đình đưa cháu đi khám, được bổ sung nước điện giải sớm thì diễn tiến bệnh không nặng, dứt sớm từ sau 2-3 ngày”, bác sĩ Nguyễn Công Viên cho biết.
 
Càng ói càng phải uống nước nhiều

Oresol là loại nước biển khô, bù điện giải thông dụng, không mắc tiền và rất dễ mua ở bất cứ tiệm thuốc Tây nào. Bệnh nhân bị tiêu chảy nước do siêu vi trùng Rotavirus thường mất nước nhanh do ói và tiêu chảy nhiều.
2bv.jpg
Bác sĩ Nguyễn Công Viên đang tư vấn cho bệnh nhân

Bác sĩ Viên cảnh báo, khi cơ thể thiếu muối và điện giải sẽ mệt rất dễ bị vọp bẻ, cơ tăng co thắt dẫn tới việc bệnh nhân ói, đau bụng và tiêu chảy nặng hơn. Việc uống điện giải thay nước là khá đơn giản, không khó khăn gì. Còn nếu muốn can thiệp nhanh hơn nữa thì truyền dịch. 

Tuy nhiên, vì tâm lý người bệnh ói nhiều nên rất sợ uống nước dẫn tới những nguy hiểm do không được bù điện giải. Bác sĩ Viên khuyên người bệnh dù ói thì cũng vẫn tiếp tục uống nước điện giải, nên uống từng ngụm nhỏ để cơ thể ngấm dần, không uống ly nước điện giải lớn, dễ ói. Người lớn uống thay nước hoàn toàn khi còn khát, trẻ nhỏ bú sữa mẹ có thể uống xen kẽ với sữa mẹ.

Bệnh nhân mắc chứng tiêu chảy nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn Amibe, Salmonella, Shigella, Giardia, Campylobacte…) thường kèm sốt cao, đi tiêu chảy có đàm, nhớt, máu thì bắt buộc phải dùng kháng sinh đặc trị. Với các bệnh nhân mắc chứng tiêu chảy nhiễm trùng này, thì cần tới bác sĩ khám ngay để xét nghiệm phân, cấy máu và được điều trị kháng sinh thích hợp.

“Bệnh nhân và ngay cả một số bác sĩ cũng thường chủ quan không bù nước điện giải trong điều trị tiêu chảy. Chỉ với việc uống nước bù điện giải cũng đã có thể khiến chứng bệnh này nhanh chóng được giảm bớt và khỏi hẳn sau 2-3 ngày. Đừng để tiêu chảy kéo dài, mất nước nghiêm trọng gây trụy mạch, sẽ cực kỳ nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Công Viên khẳng định.

Bác sĩ Nguyễn Công Viên, Phòng khám 2 Viện Tim (CMI - Hiệp hội Alain Carpentier TPHCM)

Khi bị tiêu chảy nước do Rotavirus, bệnh nhân thường đi tiêu và ói rất nhiều. Nếu tiêu chảy trên 10 lần thì không thể tự chữa ở nhà thì phải vào bệnh viện để được truyền dịch. Cách dự phòng tốt nhất cho trẻ em là uống vaccine ngừa tiêu chảy do Rotavirus. Hiện nay có 2 hãng dược lớn trên thế giới sản xuất: loại uống 2 liều và loại uống 3 liều. Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý cho con trẻ uống trong thời gian từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm