Tuyên truyền bình đẳng giới với đồng bào dân tộc Dao ở Đề Thám: Còn nhiều thách thức

Hải Linh - Ảnh: PNĐT
20/12/2023 - 20:40
Tuyên truyền bình đẳng giới với đồng bào dân tộc Dao ở Đề Thám: Còn nhiều thách thức

Các hội viên chia sẻ tại buổi truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn

"2 thôn được thụ hưởng Dự án 8 của xã Đề Thám đều đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội nên việc triển khai Dự án thời gian qua còn nhiều thách thức”, chị Nông Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đề Thám, cho biết.

Tích cực triển khai nhiều hoạt động của Dự án 8

Xã Đề Thám (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) có 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Kinh, Hoa cùng chung sống lâu đời. Xã có 11 Chi hội chia đều ở 11 thôn trên địa bàn, với tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 1.572 người, trong đó có 1.002 hội viên, chiếm tỷ lệ 63,7%.

Theo chị Nông Ngọc Ánh, ngay khi tiếp nhận Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại thôn Bắc Ái và Cốc Slầy, Hội LHPN xã đã nhanh chóng vào cuộc, tham mưu với UBND xã ban hành quyết định thành lập 2 địa chỉ tin cậy, 2 tổ truyền thông cộng đồng tại 2 thôn. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền cho 100% hội viên ở 2 thôn được thụ hưởng về nội dung của Dự án 8. Đồng thời, tổ chức hội nghị đối thoại với hội viên phụ nữ, thu hút 48 lượt chị em tham gia và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất liên quan đến 2 vấn đề nóng là bạo lực gia đình và tảo hôn trên địa bàn.

Tuyên truyền bình đẳng giới với đồng bào dân tộc Dao ở Đề Thám: Còn nhiều thách thức- Ảnh 1.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới được Hội LHPN xã Đề Thám thực hiện ở 2 thôn được thụ hưởng Dự án 8

Để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, Hội LHPN huyện Tràng Định đã phối hợp cùng Hội LHPN xã Đề Thám tổ chức truyền thông về bình đẳng giới tại thôn Bắc Ái, thu hút đông đảo phụ nữ và người dân đến nghe.

"Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 đến nay, trên địa bàn 2 thôn Bắc Ái và Cốc Slầy không còn xảy ra bạo lực gia đình. Chỉ có vài cặp vợ chồng có xích mích nhỏ, nhưng vẫn nhận được sự vào cuộc, hỗ trợ của Chi hội phụ nữ thôn và chính quyền địa phương" - Chủ tịch Hội LHPN xã Đề Thám cho biết.

2 thôn Bắc Ái và Cốc Slầy được sáp nhập vào xã Đề Thám năm 2020, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thôn thuộc vùng 3), tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Trước đây, lãnh đạo đều là nam giới, các gia đình hầu hết phụ thuộc vào người đàn ông trong nhà. Nhưng đến nay, đã có 1 thôn có Bí thư, Trưởng thôn là nữ.

Từ khi thực hiện Dự án 8, hội viên phụ nữ 2 thôn này được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhiều hơn, phong trào của Hội dần nhận được sự ủng hộ của chị em và những người đàn ông.

Tuyên truyền bình đẳng giới với đồng bào dân tộc Dao ở Đề Thám: Còn nhiều thách thức- Ảnh 2.

Các cán bộ, hội viên tham gia trao đổi tại các buổi truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống tảo hôn

"Đặc biệt, cả 2 thôn thực hiện dự án đều đã thành lập Địa chỉ tin cậy, là nơi trú ẩn an toàn cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đồng thời, mô hình "tổ truyền thông cộng đồng cũng vừa được thành lập tại địa phương" - chị Nông Ngọc Ánh cho biết.

Còn nhiều thách thức 

Chủ tịch Hội LHPN xã Đề Thám bày tỏ: "Dù đã rất nỗ lực chung tay cùng chính quyền địa phương triển khai Dự án 8 trên địa bàn, song chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế gia đình của các chị em hội viên 2 thôn Bắc Ái và Cốc Slầy còn rất nghèo. Trình độ nhận thức của người dân chưa đầy đủ, có 90% đồng bào là người dân tộc Dao. Đây cũng là những thôn nằm cách xa trung tâm xã, thậm chí Cốc Slầy còn chưa có đường bê tông liên thôn, chưa có sóng điện thoại. Vì vậy, công tác tuyên truyền, chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật đến với người dân vẫn đầy thách thức".

Đồng tình với chia sẻ của Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Triệu Thị Hà, Chi hội trưởng thôn Bắc Ái, bộc bạch: "Tôi làm công tác Chi hội từ năm 2010 đến nay, thấy rõ từ khi thực hiện Dự án 8, được chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vấn đề tảo hôn và bạo lực gia đình ở địa bàn thôn đã giảm rất nhiều. Còn vài hộ có ý định tảo hôn, khi được chính quyền, đoàn thể và Hội phụ nữ nắm bắt, đến nhà khuyên giải để gia đình người dân hiểu, đợi con đủ tuổi mới kết hôn, hộ dân đó đã tiếp thu và cam kết thực hiện đúng pháp luật".

Chi hội trưởng thôn Bắc Ái cũng cho biết, thách thức lớn nhất với thôn hiện nay là đời sống người dân còn rất khó khăn, trồng cây ăn quả hay bị mất mùa, nuôi các con vật nuôi cũng bị dịch bệnh, thi thoảng có vài cặp vợ chồng xích mích, người đàn ông gây bạo lực với vợ con. Tuy nhiên, ngay khi xảy ra sự việc, được chính quyền và Hội phụ nữ trao đổi, người chồng đó nhận ra sai lầm, cam kết không đánh vợ con nữa.

Còn chị Trịnh Thị Vân, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Cốc Slầy, tâm sự: "Trong khi cả nước đang tiến về cải cách số hóa, hiện đại công nghệ thông tin để phát triển, thì thôn tôi đến nay vẫn chưa có sóng điện thoại. Tuy nhiên, khi nhận được hướng dẫn thực hiện Dự án 8, Chi hội đã nỗ lực triển khai truyền thông đến 26 hội viên trong thôn. Năm 2022, một vụ bạo lực gia đình xảy ra tại thôn được công an xã đến giải quyết. Từ đó đến nay, tình trạng bạo lực gia đình cơ bản chấm dứt.

Tuyên truyền bình đẳng giới với đồng bào dân tộc Dao ở Đề Thám: Còn nhiều thách thức- Ảnh 3.

Cho đến nay, việc truyền thông thực hiện Dự án 8 vẫn còn nhiều thách thức

Tôi thấy phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" ở các nơi đều có quỹ Chi hội, nhưng thôn Cốc Slầy lại chưa xây dựng được quỹ. Mỗi lần chị em gặp khó khăn, Chi hội chỉ có thể vận động giúp nhau ngày công. Do chưa có nhiều quyền lợi thiết thực cho hội viên, nên một số chị em còn chây ì, kéo dài việc nộp phí Hội".

Theo chị Trịnh Thị Vân, đường từ thôn ra trung tâm xã khoảng hơn 20 km hiện vẫn rất khó đi. Nếu gặp ngày mưa, bà con gần như phải tự túc ở nhà, không buôn bán hay đi làm ăn được. Cũng vì thôn chưa có sóng điện thoại, nên khi cần truyền tải thông tin, vẫn chỉ tuyên truyền bằng miệng. Cán bộ xã hay Chi hội phụ nữ đều phải đến tận nhà bà con, hội viên kêu gọi, vận động. Đường liên thôn Cốc Slầy hiện chưa được bê tông hóa, vẫn 100% là đường đất. Vì thế mục tiêu về đích nông thôn mới ở thôn Cốc Slầy còn rất xa.

Hiện nay hội viên ở thôn chỉ mong được vay vốn không lãi suất hoặc được Nhà nước, các cấp ngành hỗ trợ cây, con giống không lãi, được hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây có năng suất cao, cách chăn nuôi có hiệu quả để nâng cao đời sống.

"Xã Đề Thám có 2 thôn khó khăn nhất được thụ hưởng Dự án 8 là điều đáng mừng tại địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn này đặc biệt khó khăn, nên việc triển khai Dự án đến cơ sở còn nhiều lúng túng. Hơn nữa, trình độ cán bộ, hội viên còn hạn chế, nên chưa phát huy hết hiệu quả của Dự án" – Chủ tịch Hội LHPN xã Đề Thám bày tỏ.

Theo chị Nông Ngọc Ánh, để thực hiện tốt Dự án 8, vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đặc biệt, người làm tuyên truyền phải nắm chắc và đầy đủ nội dung của Dự án thì mới truyền đạt đúng và đủ nội dung đến hội viên và người dân. Hơn nữa, cần có nhiều hoạt động ý nghĩa của các cấp Hội cấp trên, của các ban ngành được triển khai tại thôn bản, để người dân hiểu rõ và đồng lòng thực hiện thành công về bình đẳng giới, tảo hôn và phòng tránh các hủ tục lạc hậu. 

"Chúng tôi mong, các cấp, ngành tại địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa, cùng Hội LHPN xã Đề Thám thực hiện thành công vấn đề bảo vệ quyền bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em gái ở địa bàn miền núi biên giới xứ Lạng", Chủ tịch Hội LHPN xã Đề Thám nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm