Tỷ trọng của kinh tế hợp tác xã đóng góp vào GDP giảm 50% sau 15 năm

09/10/2019 - 15:52
Từ 7,49% đóng góp vào GDP năm 2003, đến năm 2018, tỷ trọng của kinh tế hợp tác xã trong GDP chỉ còn 3,7%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế hợp tác xã phát triển chưa xứng với tiềm năng và hiện khu vực kinh tế này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp báo về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019.
Báo cáo của Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) cho thấy, về mô hình tổ hợp tác, hiện cả nước có 101.400 tổ hợp tác (tăng 0,58% so với năm 2003), thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia (tăng khoảng 57,3% so với 2003). Số lao động thường xuyên trong tổ hợp tác khoảng 1,1 triệu lao động (tăng 11,2% so với năm 2003) và doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác đạt khoảng là 408 triệu đồng (tăng 75,7% so với năm 2003).
 
Tại cuộc họp báo, số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác xã vào GDP của cả nước đang có xu hướng giảm mạnh.

 

Về mô hình hợp tác xã, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng hợp tác xã tăng 59% so với năm 2003, trong khi số thành viên hợp tác xã lại có xu hướng giảm xuống (giảm 5,6% so với 2003). Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 1,2 triệu người (tăng 14,8% so với năm 2003).
 
Theo đánh giá, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả có xu hướng tăng lên (chiếm khoảng 57% tổng số hợp tác xã). Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng, (tăng gấp 5,2 lần so với năm 2003). Điều này kéo theo thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã cũng tăng lên, đạt 133% (từ 15,7 triệu đồng/năm trong năm 2003 lên 36,6 triệu đồng/năm trong năm 2018).
 
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, đi kèm với đó là nhu cầu nội địa ngày càng tăng, cùng với đó là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với trọng tâm là phát triển kinh tế số đang là những cơ hội để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có thể mở rộng vai trò sang các lĩnh vực phi truyền thống một cách mạnh mẽ hơn như dịch vụ môi trường, du lịch, năng lượng tái tạo hay chăm sóc sức khỏe người già.
 
“Hợp tác xã cần đóng vai trò tích cực, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế thành viên và các chủ thể khác nhằm nâng cao chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các hợp tác xã cần phải tự đổi mới và phát triển lớn mạnh để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường”, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhận xét.
 
Đáng chú ý, số liệu của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác xã vào GDP của cả nước đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, sau 15 năm (2003 – 2018), tỉ trọng đóng góp của kinh tế khu vực hợp tác xã giảm xuống một nửa, từ 7,49% xuống còn 3,7% GDP. Trong khi đó, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình vẫn giữ vững sự ổn định, chiếm hơn 30% GDP cả nước.
 
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.
 
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, ngày 14/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và “Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019”. Hai sự kiện trên sẽ diễn cùng ngày với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ngành cùng khoảng 500 đại biểu. Nội dung nhằm đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, qua đây, Chính phủ sẽ xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm